Phát triển “trục sáng tạo” hồ Tây, khẳng định vị thế trung tâm văn hóa Thủ đô
Với nhiều hoạt động văn hóa - sáng tạo - hữu nghị, “trục sáng tạo" hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ là động lực phát triển công nghiệp văn hóa quận Tây Hồ nói riêng và văn hóa Thủ đô nói chung.
Hồ Tây là “lẵng hoa” mà tạo hóa ban tặng cho Thủ đô. Thành phố Hà Nội cũng như quận Tây Hồ đã dành nhiều nguồn lực để cải tạo cảnh quan, môi trường, trồng cây xanh..., khiến hồ Tây trở thành một trong những điểm đến được khách du lịch ưa chuộng.
Bên cạnh hệ thống di sản vật thể và phi vật thể phong phú, hồ Tây còn là một điểm đến văn hóa - sáng tạo - hữu nghị. Năm 2022, quận Tây Hồ đã ban hành Đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, xác định phát triển công nghiệp văn hóa là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Các lĩnh vực mà quận tập trung đầu tư là: Du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống và ẩm thực, không gian sáng tạo, nghệ thuật biển diễn là những lợi thế của Tây Hồ, phù hợp với định hướng đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.
Với mục đích xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản..., từ đó phát triển công nghiệp văn hóa, từ cuối năm 2023, quận Tây Hồ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ trở thành điểm đến văn hóa - sáng tạo - hữu nghị tiêu biểu.
Quận đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tạp kỹ phong phú nhằm thu hút đông đảo du khách (trung bình đón hơn 1.000 lượt khách/ngày). Đáng chú ý là các chương trình như Giải chạy Tay Ho Half Marathon, Kids run the earth năm 2024 thu hút 10.000 vận động viên tham gia...
Ngoài ra, quận cũng liên kết với các đơn vị lữ hành phối hợp tổ chức các tour tham quan kết nối các điểm đến trong Khu du lịch Nhật Tân, gồm Nhà hàng Sen, Công viên nước Hồ Tây, Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, đình Nhật Tân, chùa Tảo Sách, bãi đá sông Hồng... và triển khai các tour kết nối điểm đến văn hóa trên địa bàn quận.
Quận Tây Hồ đang tập trung xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà còn để “đánh thức” nguồn lực và lợi thế của hồ Tây. Các không gian khi được hình thành sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, đặc biệt là những giá trị văn hóa lịch sử, phù hợp điều kiện thực tiễn và xu hướng phát triển hiện nay, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, du khách.
Quận cũng tổ chức gắn kết các địa danh, di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch xung quanh hồ Tây như bãi đá sông Hồng, thung lũng hoa, không gian văn hóa - phố đi bộ Trịnh Công Sơn để hình thành những tuyến du lịch hoàn chỉnh, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch đêm...
Xác định phát triển không gian văn hóa - sáng tạo dựa trên “trục” lịch sử, văn hóa, cảnh quan của hồ Tây, thời gian tới, quận Tây Hồ tiếp tục đầu tư xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (phủ Tây Hồ), không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...
Với các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra trong Đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, các điểm đến, không gian văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ sẽ được kết nối thành “trục sáng tạo” xoay quanh hồ Tây, từ đó tạo “lực đẩy” để quận Tây Hồ ngày càng phát triển, khẳng định vị thế trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Minh An (t/h)Bộ KH&ĐT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của UBND TP Hà Nội về dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.