Phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề tại "đất trăm nghề"

Địa phương
11:17 AM 19/07/2023

Hà Nội - mảnh đất trăm nghề với nhiều tiềm năng phát triển cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, các làng nghề đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Do đó, Hà Nội đang đẩy mạnh hợp tác liên kết các địa phương, các nước bạn nhằm tạo vùng nguyên liệu bền vững cho các làng nghề...

Là một trong những địa phương có số lượng làng nghề, làng có nghề lớn nhất cả nước, Hà Nội luôn được đánh giá là cái nôi sản xuất ra những sản phẩm làng nghề truyền thông đạt chất lượng cao và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích khi liên tục có những sản phẩm đứng đầu cả nước về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề tại "đất trăm nghề" - Ảnh 1.

Làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thiện Tâm.

Hiện nay, Hà Nội có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 23 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 25 làng làm nghề dệt may; 9 làng làm nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 16 làng làm nghề chạm điêu khắc; 5 làng làm nghề đan tơ lưới; 54 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm; 6 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng thuộc ngành nghề khác (gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc…).

Theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có từ 6 đến 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 3-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.

Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững và đạt mục tiêu theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 thành phố đề ra, bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại… việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề mang tính quyết định. Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu cho các nhóm ngành thủ công gần đây đang có rất nhiều bất cập. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đã, đang diễn ra trên diện rộng do nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm tăng cao, trong khi các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, khai thác tràn lan.

Cụ thể như nhu cầu nguyên liệu để sản xuất gốm sứ hằng năm của 3 làng nghề: Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan khoảng trên 10.000 tấn đất sét trắng. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu nhập từ các tỉnh trong nước và nhập khẩu. 

Đối với nhóm nghề mây tre đan, riêng huyện Chương Mỹ mỗi năm tiêu thụ khoảng 600 tấn mây, 700 tấn song và 500.000 cây tre, nứa, giang…

Phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề tại "đất trăm nghề" - Ảnh 2.

Làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Ảnh: Internet

Để gỡ khó cho việc cung ứng nguồn nguyên liệu phát triển làng nghề, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất Nhà nước hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu. Trong đó, dành quỹ đất để xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề nhằm di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào sản xuất tập trung.

Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung trong và ngoài tỉnh để phục vụ sản xuất. Điều chỉnh giảm giá thuê đất đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trong các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ sản xuất.

Song song với đó là đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề. Ưu tiên phát triển một số sản phẩm chủ lực như mây tre lá, gốm sứ, thêu dệt, dược liệu… 

Đồng thời, hỗ trợ cơ chế hợp tác công tư để phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và kinh doanh nguyên liệu phục vụ làng nghề. Hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp quy chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tư liên kết với nông dân xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất tập trung từ việc trồng, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; kết nối với các doanh nghiệp nước bạn để chuyển giao kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu, bao tiêu đầu ra sản phẩm, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp của các bên...

An Mai
Ý kiến của bạn