Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thủy sản

Chính sách
09:24 AM 07/06/2023

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) sẽ là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước, có nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 643/QĐ-TTg ngày 5/6/2023 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thủy sản.

Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thủy sản (Đề án) đặt mục tiêu đến năm 2025: Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn, tổ chức, sắp xếp phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, yêu cầu và nhu cầu quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản - Ảnh 1.

Bộ NN và PTNT sẽ là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý khu bảo tồn biển, xây dựng và thực thi quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chuyên trách trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Kiểm ngư địa phương được thành lập, kiện toàn theo Luật Thủy sản năm 2017 và Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời công nghệ thông tin và chuyển đổi số được ứng dụng vào các hoạt động quản lý nhà nước ngành thủy sản để đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành được thông suốt, kịp thời, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.

Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2030: Quản lý nhà nước về thuỷ sản được tổ chức theo các mô hình tiên tiến, phù hợp với nghề cá quy mô lớn, công nghiệp, hiện đại để thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.

Nguồn nhân lực quản lý nhà nước về thủy sản đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng; 100% công chức quy hoạch lãnh đạo cục, lãnh đạo phòng và tương đương được cử đi đào tạo lý luận chính trị, ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Công tác luân chuyển, biệt phái công chức quản lý được tăng cường để đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện thực tiễn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm:

Hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý - kỹ thuật về thủy sản: Lập kế hoạch xây dựng, rà soát văn bản pháp luật hàng năm, 5 năm để loại bỏ, sửa đổi những quy định không phù hợp hoặc bổ sung những quy định còn thiếu kịp thời phục vụ sản xuất và quản lý nhà nước về thủy sản. Tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách liên quan đến lĩnh vực thủy sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kiện toàn, củng cố cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tại trung ương và địa phương: Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về thủy sản tại trung ương và địa phương; phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước và dịch vụ công.

Phân cấp quản lý Nhà nước về thủy sản: Đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương về quản lý thủy sản phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, địa phương nhằm tăng cường sự chủ động trong bố trí nguồn lực, kinh phí và triển khai nhiệm vụ. Tăng cường phân cấp gắn liền với thanh tra, kiểm tra, giám sát, công tác hậu kiểm và trách nhiệm của người đứng đầu.

Phát triển nguồn nhân lực quản lý Nhà nước về thủy sản: Xây dựng danh mục vị trí việc làm, biên chế, số người làm việc dựa trên các quy định của pháp luật, điều kiện đặc thù về ngành thủy sản của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo cung cấp kiến thức toàn diện về quản lý nhà nước và kiến thức chuyên ngành thuỷ sản.

Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản: Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, tích hợp phần mềm, hệ cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành thủy sản gắn với việc phân cấp quản lý, truy cập khai thác, sử dụng phần mềm, hệ cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành thủy sản từ trung ương tới địa phương.

Một số nhiệm vụ và giải pháp khác: Tăng cường và đổi mới hình thức, phương pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành thủy sản phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo Đề án, Bộ NN và PTNT sẽ là cơ quan đầu mối chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước, có nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm hiệu quả.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai những nội dung được giao trong Đề án. Bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá; tổ chức hội thảo, hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án.

Bộ Tài chính căn cứ khả năng cân đối của ngân sách Trung ương, trên cơ sở đề xuất của Bộ NN và PTNT và các bộ, ngành liên quan tổng hợp trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của ngân sách trung ương, trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện Đề án và các dự án ưu tiên theo danh mục đề xuất.

Các bộ, ngành có liên quan khác phối hợp với Bộ NN và PTNT thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án này.

Căn cứ nội dung Đề án, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai hiệu quả Đề án này. Tổ chức sắp xếp, kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản tại địa phương.

Quang Dũng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.