Phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội"
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 3195/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội", trong đó nêu cụ thể về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị TP.Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, về các mặt: tăng trưởng kinh tế; thực trạng ngành thương mại - dịch vụ; các mô hình kinh tế mới; ngành công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp đô thị. Đồng thời, qua đó, Đề án xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị thành phố, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phấn đấu mục tiêu phát triển đô thị TP Hà Nội theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững; đưa Hà Nội đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Chỉ tiêu cụ thể được đề ra trong giai đoạn này là: Kinh tế khu vực đô thị đóng góp chủ yếu vào GRDP toàn TP đến năm 2025 là 85%, năm 2030 là 90%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30% năm 2025, đạt 40% năm 2030; phấn đấu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP, đến năm 2030 tăng 20%; tốc độ tăng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 20%; giá trị gia tăng dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng khoảng 15 - 20%; giá trị gia tăng ngành giáo dục, đào tạo tăng 20 - 25%; giá trị gia tăng dịch vụ y tế tăng 25 - 30%; giá trị gia tăng dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng khoảng từ 20 -25%.
Thành phố cũng giao Sở Xây dựng Hà Nội triển khai các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng về nhà ở xã hội. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chỉnh trang các công trình kiến trúc có giá trị; triển khai hạ ngầm cáp điện, viễn thông trên 300 tuyến phố trong khu vực phố cũ, quản lý và chỉnh trang các nhà biệt thự theo danh mục.
Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ thực hiện đầu tư, cải tạo cảnh quan các hồ, công viên đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh, hình thành các không gian đi bộ, sinh hoạt văn hóa kết hợp thương mại, dịch vụ. Tham mưu và tổ chức cải tạo các dòng sông, trả lại giá trị lịch sử và văn hóa của các sông Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Kim Ngưu…; khai thác các dòng sông đa mục đích như bảo tồn lịch sử, văn hóa...
Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, Hà Nội vạch ra 33 nhiệm vụ, dự án, đề án và các chương trình ưu tiên thực hiện.
Trong đó, Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào, Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 - 2025.
Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 được giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp công an thành phố.
Việc cấm xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận trong nội thành Hà Nội. Bao gồm các quận: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.
UBND TP giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là đơn vị thường trực theo dõi kết quả thực hiện Đề án, có trách nhiệm tổng kết, báo cáo các kết quả thực hiện hàng năm; kiến nghị các hoạt động tiếp theo.
Các Sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao tại Đề án.
Mai PhươngGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.