Phê duyệt kế hoạch cung ứng điện mùa khô năm 2024
Bộ Công Thương vừa phê duyệt kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 từ tháng 4 đến tháng 7 trong bối cảnh dự báo việc đảm bảo điện sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa ký Quyết định số 3376 về kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, yêu cầu EVN cùng nhiều đơn vị thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo cấp điện từ tháng 4 đến tháng 7.
Theo Bộ Công Thương, kế hoạch được phê duyệt theo đề nghị của EVN để dự phòng điều hành công tác đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia với tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024 là 109,183 tỷ kWh.
Mối lo cung ứng điện năm nay tiếp tục ở khu vực phía Bắc, khi nhiều tỉnh như Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, khách hàng quy mô lớn, kéo theo mức tăng trưởng điện sử dụng của tổng công ty có thể đạt 8,7-13,7%.
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã lên 2 kịch bản cấp điện năm 2024 căn cứ trên dự báo phụ tải và công bố khả dụng của A0. Theo đó, với kịch bản kiểm tra và với phương án cao dự báo phụ tải, EVNNPC có thể thiếu từ 1.200-2.500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7. Trong khi năm nay, miền Bắc sẽ không có nguồn điện lớn nào được bổ sung.
Vì vậy, EVNNPC dự kiến sẽ mua điện từ Trung Quốc qua lưới điện 220kV cấp điện cho 1 phần Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Thái Nguyên với sản lượng mua cả năm 2.569 tỷ kWh. Ngoài ra, đơn vị này cũng lên phương án nhập khẩu điện Trung Quốc qua các đường dây 110kV liên kết (Thâm Câu - Móng Cái, Lào Cai - Hà Khẩu, Mamaotiao – Thanh Thủy).
Để đảm bảo nhiệm vụ quan trọng nhất năm 2024 là cung ứng điện, Bộ Công thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan.
EVN có trách nhiệm công bố kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024, bao gồm kế hoạch huy động sản lượng điện từng tháng cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.
Trước 15/3/2024, EVN có trách nhiệm cập nhật, báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện), đặc biệt là miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 với các kịch bản nhằm kiểm soát, ứng phó thiếu điện, có dự phòng đảm bảo ứng phó với các tình huống cực đoan, sự cố.
Theo phân công, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo Tổng công ty Khí Việt Nam phối hợp với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện khí đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho sản xuất điện. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị cung cấp than khác phối hợp với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện xây dựng kế hoạch cung cấp than chi tiết cho các tháng cao điểm. Cùng đó, đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp cho các nhà máy nhiệt điện than theo để đảm bảo sẵn sàng phát điện trong các tháng cao điểm.
Huyền My (t/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.