Phê duyệt khung giá điện LNG cao nhất 2.590 đồng/kWh

Kinh doanh
08:25 AM 28/05/2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định phê duyệt khung giá phát điện nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng (LNG) 2024. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 27/5.

Theo đó, khung giá phát điện nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng (LNG) năm 2024 áp dụng cho đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư số 57 ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện.

Cụ thể, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG năm 2024 là 0-2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong đó, mức giá trần là 2.590,85 đồng/kWh.

Các thông số sử dụng tính toán mức giá trần này bao gồm: Công suất tinh 1.579.125 kW; suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85% (6.330,2 BTU/kWh); giá LNG (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí sau tái hóa) là 12,9792 USD/triệu BTU; tỷ giá 24.520 đồng/USD.

Phê duyệt khung giá điện LNG cao nhất 2.590 đồng/kWh- Ảnh 1.

Bộ Công Thương vừa phê duyệt khung giá điện khí. (Ảnh minh họa, internet).

Căn cứ vào khung giá phát điện trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện sẽ đàm phán giá mua bán điện chính thức không vượt qua mức giá trần.

Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, tổng công suất đặt các nguồn điện đến năm 2030 là 150,489GW (cao gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80GW).

Trong đó tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424MW (khí trong nước là 10 dự án với tổng công suất 7.900MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824MW).

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, hầu hết dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển. Việc triển khai "giậm chân tại chỗ" một phần nguyên nhân do chưa xác định được giá điện, dẫn đến nhà đầu tư chưa tính toán được hiệu quả suất đầu tư.

Trong cuộc họp diễn ra ngày 25/5, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi, ngoại trừ Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Nếu tình trạng này còn tiếp tục tái diễn thì vấn đề an ninh năng lượng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn trong Quy hoạch, mà còn là nguồn điện nền để huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời. Chính vì vậy, trong thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm cao nhất là đảm bảo tiến độ các dự án.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.