Phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế tầm nhìn đến năm 2065
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế, khoảng 4.947 km2 (diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án theo quyết định của cấp có thẩm quyền).
Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Về yêu cầu trọng tâm nghiên cứu quy hoạch, cần phân tích bối cảnh phát triển của Thừa Thiên Huế trong mối liên hệ vùng Đông Nam Á, hành lang Đông - Tây; mối quan hệ với các đô thị lân cận. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch vùng tỉnh Thừa Thiên Huế, Quy hoạch chung thành phố Huế, các quy hoạch và dự án đầu tư để xác định những vấn đề tồn tại, bất cập cần điều chỉnh trong giai đoạn mới.
Nghiên cứu các chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hình thành và phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo định hướng đô thị trực thuộc trung ương với các tiêu chí đặc thù; rà soát định hướng quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai thực hiện để dự báo các nhu cầu, cơ hội phát triển trong giai đoạn mới của tỉnh, hài hòa với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên trên địa bàn.
Nghiên cứu mô hình phát triển, cấu trúc không gian; phân bố hệ thống đô thị gắn với tổ chức đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở kế thừa các đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Quy hoạch chung thành phố Huế... Tổ chức không gian cho các chức năng mang tính đặc thù của Thừa Thiên Huế như trung tâm về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á; trung tâm về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; các khu vực bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đầm phá ven biển.
Đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh; nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành, khu vực lân cận các điểm di tích, khu vực dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
Tăng cường liên kết về giao thông kết nối với quốc tế, các đô thị lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng. Khắc phục các tồn tại, bất cập trong hệ thống hạ tầng nội vùng để liên kết khu vực đô thị trung tâm với khu vực đô thị vệ tinh, vùng miền núi phía Tây như Nam Đông, A Lưới.
Nghiên cứu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường của sông Hương gắn với trục cảnh quan trung tâm thành phố Huế; bảo vệ các vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai, Lập An; khai thác hiệu quả các khu vực ven biển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu từ Phong Điền tới Phú Lộc; bảo tồn hiệu quả vườn quốc gia Bạch Mã, khu vực đèo Hải Vân gắn với phát triển du lịch bền vững.
Đề xuất quy định quản lý, hướng dẫn kiểm soát phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng cụ thể và linh hoạt để từng bước làm sâu sắc hơn hình ảnh quy hoạch kiến trúc đô thị gắn với không gian đặc trưng của đô thị Thừa Thiên Huế.
Về định hướng phát triển không gian, xác định các mối liên kết tương hỗ về không gian giữa đô thị Thừa Thiên Huế với các đô thị lớn trong vùng, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng.
Đề xuất phạm vi khu vực được xác định là đô thị trung tâm, hướng phát triển mở rộng đô thị Huế hiện tại, các khu vực đô thị hóa liền kề tại Hương Thủy, Hương Trà, các khu vực đô thị vệ tinh về phía Bắc tại Phong Điền, Quảng Điền, về phía Nam tại Phú Lộc (bao gồm cả khu vực Chân Mây - Lăng Cô), về phía Tây tại Nam Đông, A Lưới để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.
Xác định quy mô các đô thị trong mô hình cấu trúc đô thị, các khu chức năng, các khu chuyển đổi chức năng; khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo; khu phát triển mái; khu cấm xây dựng; các khu dự trữ phát triển. Định hướng phát triển các trục không gian, hành lang phát triển đô thị, xác định tính chất và nguyên tắc kiểm soát phát triển.
Đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển cho khu vực dân cư hiện hữu (dân số, chiều cao tầng xây dựng, mật độ...). Xác định các khu vực cần bảo tồn xen lẫn trong khu vực đô thị; nhận diện và đề xuất giải pháp cho các không gian mang tính đặc trưng riêng của Huế như di sản Kinh thành, không gian sông Hương; các di sản văn hóa, lịch sử; di sản đô thị (các khu vực phố cổ, thương cảng, thành cổ)...
Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng; các khu chuyển đổi chức năng; khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo; khu cần bảo tồn, tôn tạo (khoanh vùng, xác định lại ranh giới khu phố cổ, khu phố cũ v.v... và các khu chức năng đặc biệt để đề xuất các vấn đề về bảo tồn, bảo vệ, cho phép phát triển, giữ nguyên v.v...).
Xác định các vùng, các không gian có đặc trưng riêng của Thừa Thiên Huế cần có nghiên cứu, kiểm soát phát triển riêng so với không gian chung như không gian ven biển; không gian đồi núi gắn với vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; khu vực đồi núi các huyện A Lưới, Nam Đông. Xác định các không gian chống chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan hàng năm như vùng ngập lũ theo lưu vực sông Hương, sông Bồ; các khu vực có địa chất yếu dễ hình thành điểm sạt lở mùa mưa bão để kiểm soát hoạt động xây dựng.
Nguyễn TuấnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.