Phi công - nghề VIP lương khủng cũng lao đao trong đại dịch: “Công việc chính năm 2021 là ở nhà trông con, thu nhập không bằng tài xế Grab!”

Xã hội
02:52 PM 03/03/2022

Phi công là một nghề nghiệp phức tạp, yêu cầu cao. Phi công phải được đào tạo và vượt qua các kỳ thi, kiểm tra kỹ lưỡng về thể lực, kiến thức và kỹ năng điều khiển máy bay. Mức thu nhập của nghề phi công cũng luôn là con số "đáng mơ ước" với các bạn trẻ.

Sẽ không quá lời khi nói phi công là một nghề có mức thu nhập thuộc top cao nhất trong xã hội hiện nay. Ở thời điểm trước dịch Covid, mức lương sau thuế một phi công tại Vietnam Airline nhận được dao động từ 3.000 USD/tháng với cơ phó và khoảng 7.000 USD/tháng với cơ trưởng.

Mức lương này tương ứng với khoảng 70 đến 80 giờ bay/tháng. Một số hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airway thậm chí sẵn sàng trả mức lương cao hơn để lôi kéo một phi công lành nghề.

Lương cao nhưng tiêu chuẩn nghề nghiệp vô cùng khắt khe

Để trở thành phi công, trước tiên bạn phải vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào với hàng loạt bài kiểm tra về sức khỏe, kiến thức và ngoại ngữ. Sau đó bạn phải tham gia nhiều buổi học với hàng trăm giờ bay thử trước khi lấy được bằng lái máy bay.

Ngoài những tiêu chuẩn về ngoại hình như chiều cao, cân nặng… thì tiêu chuẩn bắt buộc đầu tiên là sức khoẻ. Đương nhiên, một phi công khi lái cỗ máy khổng lồ, nắm trong tay sinh mệnh của hàng trăm con người luôn cần có một trạng thái thể lực và tinh thần tốt nhất.

Một yêu cầu bắt buộc cần có của phi công là khả năng ngoại ngữ tiếng Anh. Ban đầu, trong quá trình học, toàn bộ giáo trình dạy học của phi công đều bằng tiếng Anh, các giáo sư là người nước ngoài,... Sau này, trong công việc thực tế hàng ngày, phi công sẽ thường xuyên phải sử dụng ngoại ngữ như nghe hướng dẫn của đài kiểm soát không lưu, sử dụng hệ thống nút bấm trên máy bay được kí hiệu bằng tiếng Anh...

Sau khi đạt những tiêu chuẩn bắt buộc qua vòng hồ sơ, học viên sẽ phải trả qua thời gian học lý thuyết (gồm 14 môn như Khí tượng, cân bằng trọng tải, dẫn đường bay,...) và thực hành bay.

Hiện tại ở Việt Nam có công ty Bay Việt là đơn vị Việt Nam được Cục Hàng không phê chuẩn và tổ chức huấn luyện phi công cơ bản với một số giai đoạn đào tạo trong nước. Bay Việt cung cấp các giờ học lý thuyết trong khoảng 25 tuần với 750 giờ huấn luyện lý thuyết và 03 giờ thực hành trên Simulator, học phí khoảng 134 triệu đồng.

Sau đó, học viên sẽ tham gia huấn luyện thực hành bay tại các nước như Pháp, Mỹ, NewZealand,... với tối thiểu 200 giờ bay thực tế và 20 giờ huấn luyện thực tế trên SIM. Học phí cho khoá huấn luyện bay rơi vào khoảng 57.000 USD - 65.000 USD (khoảng 1,3 đến 1,6 tỷ đồng).

Đại diện Bay Việt cho biết, có nhiều ứng viên đăng ký thi tuyển phi công vì thích nghề bay nhưng mới chỉ biết về những hào nhoáng bên ngoài chứ chưa hiểu đúng, hiểu hết về nghề để có động lực theo đuổi thật sự.

"Trong 100 học viên đầu vào, sẽ có khoảng 30 - 40 bạn tốt nghiệp suôn sẻ, đúng tiến độ chương trình đào tạo. Khoảng 30 bạn cũng sẽ tốt nghiệp nhưng chậm tiến độ. Và cũng đâu đó 30 bạn chấp nhận dừng lại, không theo nữa.

Phần đông trong số các bạn dừng việc học ngay từ phần huấn luyện lý thuyết, cũng có những bạn chấp nhận bỏ khi huấn luyện bay ở nước ngoài nhưng ít hơn. Cũng có trường hợp học viên học lý thuyết rất tốt nhưng khi huấn luyện bay thực hành lại không làm tốt và ngược lại, học viên hoàn thành phần lý thuyết bình thường nhưng lại bay thực tế tốt", đại diện Bay Việt chia sẻ.

Phi công - nghề nghiệp mơ ước đã lao đao như thế nào trong đại dịch? - Ảnh 1.

Phi công - công việc mơ ước của rất nhiều người

Phi công, có được nghề đã khó, giữ nghề lại càng cần kỷ luật

Sau khi tốt nghiệp chương trình huấn luyện cơ bản, nếu muốn trở thành phi công lái tàu bay thương mại, học viên sẽ tiếp tục huấn luyện chuyển loại, huấn luyện Base và IOE. Việc huấn luyện sau cơ bản diễn ra tại các hãng hàng không với chi phí không dưới 1,5 tỷ đồng/người.

Lúc này, học viên sẽ phải trải qua các giờ học lý thuyết về loại máy bay cụ thể, sau đó thực hành bay giả định để tập thao tác và quen với các tình huống.

Sau khi được đánh giá đủ tiêu chuẩn, học viên sẽ được xếp lịch bay với vai trò lái phụ. Sau tối thiểu đủ 200 giờ bay không xảy ra sai sót, đảm bảo đúng kỹ thuật học viên được đánh giá để bổ nhiệm chính thức vị trí cơ phó.

Do phi công là một nghề nghiệp có tính áp lực khá cao nên cuộc sống và sinh hoạt của một phi công thường chỉn chu và kỷ luật. Ngoài việc phải rèn luyện thể lực thường xuyên, phi công phải giữ chế độ ăn uống đủ chất, lành mạnh, sinh hoạt điều độ, đúng giờ.

Phi công - nghề nghiệp mơ ước đã lao đao như thế nào trong đại dịch? - Ảnh 2.

Một khi làm chủ "con chim sắt", phi công là người nắm giữ sinh mệnh của nhiều hành khác trong tay

Với phi công dưới 40 tuổi, một năm kiểm tra sức khoẻ bắt buộc một lần, phi công trên 40 tuổi, sáu tháng kiểm tra sức khoẻ bắt buộc một lần.

Kết quả khám sức khỏe phải do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp. Hiện tại có 2 cơ sở được cấp phép khám sức khỏe cho nhân viên hàng không là Trung tâm Y tế Hàng không và Viện Y học Hàng không.

Đại dịch Covid khiến ngành hàng không lao đao, thu nhập của phi công giảm mạnh

Đại dịch Covid ập đến khiến cho việc vận chuyển bằng máy bay trong lãnh thổ quốc gia và giữa các quốc gia gặp phải đình trệ. Nếu gọi năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thử thách với các hãng hàng không thì năm 2021 giống như một cú đấm knock out khi mà các chuyến bay khai thác thấp đến mức kỷ lục.

Phi công - nghề nghiệp mơ ước đã lao đao như thế nào trong đại dịch? - Ảnh 3.

Đến ông lớn trong ngành như Vietnam Airline cũng không thể chịu được khi luỹ kế kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 lỗ đến hơn 12.153 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/06/2021 âm hơn 2.750 tỷ đồng. Đến tháng 9/2021, Vietnam Airlines triển khai thành công phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, tạm cứu doanh nghiệp khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu, rơi vào tình trạng huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, đợt phát hành đã chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 5-8 đến 14-9-2021 và kết thúc với 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông, tương ứng 99,51% tổng số cổ phiếu chào bán với số tiền thu được là hơn 7.961 tỉ đồng.

Chịu chung cảnh khó khăn, thu nhập nhân sự trong ngành hàng không đặc biệt là các phi công bị giảm sút một cách nghiêm trọng. Anh D - một phi công của Vietnam Airline trong năm 2021 thường nói vui mỗi khi bạn bè hỏi thăm: "Công việc chính bây giờ là ở nhà trông con. Thu nhập không bằng tài xế Grab".

Bắt đầu năm 2022, các đường bay nội địa được mở lại cùng với việc Nhà nước đã quyết định mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ 15/2 để phục hồi giao thương, du lịch và chuẩn bị mở cửa du lịch từ 15/3/2022.

Đây là điều đáng mừng đối với ngành hàng không nói chung và giới phi công nói riêng. Cũng theo chia sẻ của anh D, từ đầu năm 2022, khi đã bắt đầu bay lại, thu nhập của anh đã cải thiện hơn, hiện đạt khoảng 1/3 so với thời điểm trước dịch.

An Vũ
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.