Phi công người Anh nói lời cảm ơn các bác sĩ Việt Nam
Chia sẻ với lãnh đạo Bộ Y tế, phi công người Anh cho biết anh cảm thấy sức khỏe tốt lên nhiều, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, chăm sóc mình trong thời gian qua.
Cuối giờ chiều 16/6, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) thăm, động viên bệnh nhân 91, phi công người Anh mắc Covid-19.
Tại thời điểm đó, phi công người Anh tỉnh táo, giao tiếp tốt. Bệnh nhân bày tỏ niềm vui, xúc động khi được các bác sĩ cho biết Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh vào thăm.
Phi công người Anh trò chuyện với PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (ngoài cùng bên phải).
Bệnh nhân cho biết anh cảm thấy sức khỏe tốt lên nhiều, đồng thời kể một số thông tin về gia đình. Đặc biệt, phi công cũng nói lời cảm ơn đến các bác sĩ Việt Nam đã tận tình cứu chữa, chăm sóc anh trong thời gian qua.
Phi công cũng đã đưa ra một chiếc khăn “khoe” với PGS Khuê và đề nghị mỗi người cầm một đầu khăn để chụp ảnh lưu niệm.
“Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân cần nhiều thời gian để hồi phục sức cơ chân. Tuy nhiên với những tiến triển kỳ diệu trước đó, việc đã có thể đứng dậy và tập đi cho thấy bệnh nhân tiếp tục có sự hồi phục kỳ diệu”, PGS Khuê nhấn mạnh.
PGS Khuê đã động viên và mong muốn bệnh nhân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế trong quá trình điều trị.
Về phía các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, thay mặt tiểu ban Điều trị, PGS Khuê cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các y bác sĩ đã tận tình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời yêu cầu Bệnh viện tiếp tục cố gắng nỗ lực để điều trị, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
Đến chiều 16/6, phi công người Anh đã cai thở máy ngày thứ 4, hiện tự thở với liều lượng oxy hỗ trợ giảm còn 1,5 lít/phút. Tuy nhiên, bệnh nhân còn cần thêm thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Sức cơ 2 tay gần bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, đang tập cho bệnh nhân đứng với sự trợ giúp của nhân viên y tế. Đây là một tiến bộ mới, rất đặc biệt vì chỉ vài ngày trước sức cơ chân của anh chỉ hồi phục ở mức 2/5.
Ngoài ra, sức cơ hô hấp của bệnh nhân cũng cải thiện. Bệnh nhân tự ho khạc đờm qua miệng. Về tiêu hóa, bệnh nhân đã rút được ống nuôi ăn, tự ăn uống qua miệng. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường.
Bệnh nhân đã ngưng toàn bộ các loại kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto. Hiện tại bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu ngày 2 lần.
Trước đó, ngày 18/3, nam phi công người Anh phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Dù nhập viện trong tình trạng khỏe mạnh nhưng trong quá trình điều trị bệnh nhân này đột ngột trở nặng, trong đó có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải sử dụng đến kỹ thuật ECMO (ngày 6/4). ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 90 ngày điều trị và hiện là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta. Bệnh nhân đã được ngưng lọc máu từ ngày 27/5, ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, ngưng thở máy từ sáng 12/6.
Nam PhươngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.