Phí sử dụng đường bộ đối với ô tô từ 130.000-1.430.000 đồng/tháng

Chính sách
12:57 PM 28/06/2022

Mức thu phí sử dụng đường bộ áp dụng cho ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 08 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe, từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng.

Phí sử dụng đường bộ đối với ô tô từ 130.000-1.430.000 đồng/tháng - Ảnh 1.

Đây là đề xuất tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

Dự thảo Nghị định quy định đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là ô tô (xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự) đã đăng ký, kiểm định để lưu hành. Đồng thời, quy định một số trường hợp xe không chịu phí sử dụng đường bộ do: bị hủy hoại, bị tịch thu, bị tai nạn không thể sử dụng tiếp sau sửa chữa; xe không sử dụng đường bộ trong thời gian dài trên 30 ngày (trong đó, có xe kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên).

5 trường hợp được miễn phí sử dụng đường bộ

Nghị định quy định 05 trường hợp miễn phí gồm: Xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng và xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân.

Các Trung tâm đăng kiểm thu phí đối với các loại xe ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) khi thực hiện đăng kiểm xe. Tổng cục Đường bộ Việt Nam thu phí đối với xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng (xe này do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm định).

Mức thu phí áp dụng cho ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 08 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe: từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng; xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng chia làm 02 nhóm: xe ô tô con mức 1.000.000 đồng/năm; xe tải, xe khách: 1.500.000 đồng/năm (phí sử dụng đường bộ nộp cho xe ô tô của công an, quốc phòng do NSNN đảm bảo).

Về cách tính và thu phí: Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nộp phí cho toàn bộ xe ô tô mình quản lý 01 lần/năm; xe ô tô còn lại nộp theo: chu kỳ đăng kiểm; theo năm dương lịch; theo tháng đối với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.

Về quản lý, sử dụng tiền phí: Tổng cục Đường bộ Việt Nam được để lại 1,2% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Các Trung tâm đăng kiểm thu phí nộp về Cục Đăng kiểm Việt Nam (trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thu phí) để Cục Đăng kiểm Việt Nam tổng hợp và khai, nộp phí vào NSNN. Các Trung tâm đăng kiểm được để lại 1,32% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp Trung tâm đăng kiểm thuộc doanh nghiệp thì tiền phí để lại là doanh thu của Trung tâm, Trung tâm khai, nộp thuế theo quy định.

So với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định không quy định về in và phát hành vé "phí đường bộ toàn quốc". Vì vé "phí đường bộ toàn quốc" để phục vụ cho mục đích xe ô tô của lực lượng quốc phòng, an ninh khi lưu thông qua các trạm thu phí BOT trên toàn quốc được miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Việc quy định chứng từ miễn phí BOT thuộc Bộ GTVT. Ngày 30/11/2021, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT quy định về giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ do Bộ GTVT quản lý. Trong đó, đã có quy định về việc in, phát hành vé "phí đường bộ toàn quốc".

Khánh Linh
Ý kiến của bạn