Phí xếp dỡ hàng hóa cảng Việt Nam thấp nhất khu vực
Mức phí xếp dỡ hàng hóa mà doanh nghiệp cảng biển Việt Nam được hưởng chỉ khoảng 52 USD, chiếm 37% chi phí trên tổng số tiền mà hãng tàu thu từ chủ hàng - thấp nhất trong các nước Đông Nam Á.
Thông tin này được ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ tại hội nghị Hộ chiếu logistics tại TP HCM.
Phụ phí xếp dỡ tại cảng hay còn gọi là phí THC (terminal handling charge) đang được các hãng tàu quốc tế thu với mức 140 USD một container 20 feet. Thế nhưng, các đơn vị này chỉ trả cho doanh nghiệp cảng biển Việt Nam - đơn vị trực tiếp nâng hạ container khoảng 52 USD, chiếm 37% chi phí trên tổng số tiền mà họ đã thu từ chủ hàng. Đây là mức thấp trong khu vực Đông Nam Á, vì các doanh nghiệp cảng biển tại Campuchia được trả tới 90 USD, Singapore là 115 USD trên một container xếp dỡ.
"Đây thực sự là thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt Nam vì họ đã phải đầu tư hàng trăm triệu USD cho cầu cảng nhưng mức phí thu về quá thấp. Do đó, Chính phủ đang nghiên cứu để nâng mức phí sàn tại các cảng biển Việt Nam", Phó Chủ tịch VLA cho biết.
Ngoài thất thu phí nâng hạ container, thời gian thông quan kéo dài cũng đang khiến doanh nghiệp logistics gặp khó. Đặc biệt, thủ tục chuyển cảng nội địa phức tạp gây mất thời gian và tốn chi phí của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, đại diện tổ chức Hộ chiếu Chuỗi dịch vụ cung ứng toàn cầu (WLP) cho rằng, thời gian thông quan tại các cảng biển Việt Nam đang ì ạch, trung bình mất khoảng 52 giờ. Ông đề nghị các doanh nghiệp nên tham gia Chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới (WLP) để giảm kinh phí, tiết kiệm thời gian và tăng cơ hội cấp tiếp cận các thị trường mới.
Hộ chiếu logistics thế giới (WLP) là một sáng kiến toàn cầu do Dubai dẫn dắt nhằm tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại thế giới. Chương trình đã bổ sung Việt Nam vào danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (gọi tắt là Hub). WLP đã làm việc với các đối tác tại 29 Hub thuộc mạng lưới. Tại Việt Nam, vừa có 9 doanh nghiệp ký kết là đối tác của WLP và 22 doanh nghiệp thuộc VLA đăng ký là Hội viên WLP.
Khi tham gia vào mạng lưới WLP, hàng hóa của doanh nghiệp Việt sẽ được hỗ trợ về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra, miễn phí hoặc giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ, hàng hóa có thể được thông quan trước khi đến cảng nên sẽ tiết kiệm tới 40% chi phí vận hành.
Huyền My (t/h)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.