Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị

Địa phương
03:50 PM 14/05/2025

Mới đây, Ban Chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị họp phiên thứ nhất để nghe báo cáo và thống nhất một số nội dung thực hiện hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính giữa hai tỉnh.

Đồng chí Lê Ngọc Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định việc hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị mới, đặt trung tâm chính trị - hành chính tại Đồng Hới là một chủ trương lớn, hệ trọng, mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế vùng trung tâm và tạo động lực tăng trưởng mới cho khu vực Bắc Trung Bộ. Đây không chỉ là bài toán về tổ chức hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm cụ thể hóa khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị- Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Đây cũng là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu chính thức của tiến trình hợp nhất và cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Do đó, gấp rút khẩn trương, chủ động, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai tỉnh để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Trong đó, nhất là phải đoàn kết, thống nhất, có sự trao đổi, lấy ý kiến của nhau trong mọi vấn đề liên quan đến quá trình hợp nhất của hai tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Đồng chí Lê Ngọc Quang đề nghị các đồng chí trong Ban Chỉ đạo thảo luận thấu đáo, cụ thể, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới một cách hiệu quả. Phát huy được tính ưu việt của bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, năng lực, sở trường công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhằm bảo đảm phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, xây dựng tỉnh Quảng Trị mới ngày càng thịnh vượng, phát triển bền vững.

Ngoài ra, các đồng chí trong Ban chỉ đạo đã tập trung trao đổi, góp ý để thông qua Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo theo nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, rõ kết quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị- Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Long Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị phát biểu

Tại Phiên họp, tất cả tập trung thảo luận, rà soát, đánh giá lại những kết quả đã đạt được và tiếp tục khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp trong thời gian tới. Tăng cường phối hợp xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập Đảng bộ tỉnh Quảng Bình và Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đảm bảo bám sát Điều lệ Đảng và các chỉ đạo, kết luận của các cấp có thẩm quyền. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề án kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện, đảng bộ cấp xã cũ, thành lập đảng bộ cấp xã mới. Đẩy nhanh sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. 

Có phương án xử lý trụ sở dôi dư, thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở. Tích cực ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích cộng đồng của địa phương. Mặt khác, chuẩn bị các phương án chu đáo để bố trí nhà công vụ, các chính sách hỗ trợ phù hợp (về chi phí di chuyển, về ăn, ở,…) cho các cán bộ từ Quảng Trị ra làm việc tại Đồng Hới.

Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị- Ảnh 3.

Đồng chí Hoàng Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu

Đồng chí Nguyễn Long Hải - Bí thư Tỉnh Quảng Trị thống nhất với các dự thảo và các nội dung mà các thành viên Ban chỉ đạo đã tập trung thảo luận tại phiên họp. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng vô cùng khẩn trương trong công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh sau sáp nhập là công tác xây dựng Văn kiện Đại hội. 

Đề nghị Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo về xây dựng Văn kiện Đại hội (sau khi thành lập) khẩn trương triển khai các công việc liên quan, trong đó, yêu cầu soạn thảo Báo cáo chính trị cần ngắn gọn, súc tích, cô đọng, xác định rõ mục tiêu, giải pháp cần triển khai thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị yêu cầu các Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu, có lịch trình, có kế hoạch làm việc, nội dung cụ thể trước khi tổ chức các buổi làm việc để đạt được hiệu quả cao nhất. Mỗi tỉnh sẽ chịu trách nhiệm về công tác sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ trên nguyên tắc bố trí hài hòa, hợp lý. Cần phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ để đảm bảo các phần mềm dùng chung hoạt động hiệu quả, thông suốt. Cùng với đó, cần lan tỏa tinh thần trách nhiệm, niềm tin vào tương lai ngày càng tốt đẹp khi hai tỉnh hoàn thành việc sáp nhập.

Đồng chí Lê Ngọc Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo hoàn chỉnh các dự thảo, trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký, ban hành các dự thảo trên cơ sở thảo luận và thống nhất tại Phiên họp hôm nay. Nhanh chóng ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo về hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị và thành lập các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo theo các nhóm lĩnh vực đã được thống nhất.

Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị- Ảnh 4.

Đồng chí Trần Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu cần khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập Đảng bộ tỉnh Quảng Bình và Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đảm bảo bám sát Điều lệ Đảng, các quan điểm, nguyên tắc, chỉ đạo của Trung ương. Đề nghị các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, cũng là lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh chuẩn bị thật tốt các phương án bố trí cán bộ các xã sau sắp xếp, trong đó bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương… để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, kịp thời.

Cùng với đó, yêu cầu các cơ quan tương đồng ở tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị chủ động làm việc để xây dựng đề án hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đề xuất cụ thể phương án bố trí nhân lực của đơn vị mình. Căn cứ tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của bộ máy chính quyền mới sau khi hợp nhất, trong trường hợp cần thiết, một số cơ quan, đơn vị có thể nghiên cứu bố trí một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở hành chính của tỉnh Quảng Trị hiện nay nhằm đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao. 

Tất cả các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ hợp lý (về nhà ở, về điều kiện di chuyển,…) cho đội ngũ cán bộ, người lao động khi chuyển từ Quảng Trị về Quảng Bình công tác, đảm bảo ổn định cuộc sống và an tâm công tác, phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh mới.

Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị- Ảnh 5.

Đồng chí Lê Ngọc Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu

Giao Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND hai tỉnh tiếp tục tổng rà soát, đánh giá hiện trạng các trụ sở, tài sản công trên địa bàn hai tỉnh và nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án bố trí sử dụng tiếp, phương án xử lý trụ sở dôi dư đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, số hóa toàn diện các lĩnh vực quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đây không chỉ là giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy mà còn là điều kiện nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững của tỉnh mới.

Khối lượng công việc hiện rất lớn, thời gian thì không nhiều, trong khi yêu cầu của Trung ương rất cao và Nhân dân hai tỉnh thì rất trông đợi. Ban Chỉ đạo cần đồng thuận, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.

Minh Tú
Ý kiến của bạn
Giá xăng kỳ điều hành ngày 15/5 có thể tăng trở lại Giá xăng kỳ điều hành ngày 15/5 có thể tăng trở lại

Giá xăng trong nước ngày mai (15/5) có khả năng đảo chiều tăng sau 2 phiên giảm liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 350-500 đồng/lít còn giá dầu diesel tăng thêm 350-400 đồng/lít.