Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 15/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu khai mạc phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp thứ 54, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối vào công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Về cho ý kiến vào các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận để làm sâu sắc, toàn diện hơn, bảo đảm phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, làm nổi bật những đổi mới, bài học kinh nghiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV. Trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị để chuyển giao cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tại Kỳ họp thứ 11 sắp tới, Quốc hội sẽ dành thời gian quan trọng để thực hiện công tác nhân sự, kiện toàn một số chức danh của nhà nước. Do đó công tác nhân sự được cho ý kiến tại phiên họp thứ 54 phải được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm việc tiến hành tại kỳ họp được chặt chẽ đúng quy trình, bảo đảm các thủ tục, đạt được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.
Diễn ra trong vòng 1 ngày làm việc, theo dự kiến chương trình, ngoài các nội dung thảo luận trực tiếp, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tóm tắt các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến thảo luận về nội dung này.
Theo đó, Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22/5/2016. Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV đã đạt được những kết quả nổi bật như: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng. Tăng cường hoạt động giám sát, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…
Từ thực tiễn hoạt động 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV đã khẳng định, bổ sung, làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm quý được Quốc hội các khóa rút ra.
Cụ thể, một là, quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tạo không khí dân chủ và phát huy trí tuệ của các đại biểu Quốc hội.
Hai là, kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của hơn 70 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động.
Ba là, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, thân dân; lắng nghe nhân dân, phục vụ nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà nhân dân ủy thác; chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình. Sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri và nhân dân vừa là động lực, vừa là nguồn động viên to lớn để Quốc hội, đại biểu Quốc hội nỗ lực hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bốn là, đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm, là nhân tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đại biểu đã góp phần quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Năm là, coi trọng, phát huy thế mạnh đặc thù hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của quốc hội/nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Sáu là, mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan được coi trọng, tăng cường, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
PV (tổng hợp)Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 3) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.