Phiên họp toàn thể thứ hai Đại hội đồng AIPA lần thứ 41

Sự kiện
09:25 PM 10/09/2020

Sáng 10/9, phiên họp toàn thể thứ hai Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41) đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cùng dự phiên họp từ điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội...

Phiên họp toàn thể thứ hai Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự Đại hội đồng AIPA 41 tại các điểm cầu có trưởng đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên AIPA, lãnh đạo nghị viện các nước quan sát viên AIPA, Tổng Thư ký AIPA và Ban Thư ký AIPA...

Phiên họp đã nghe và thông qua các báo cáo của Hội nghị nữ Nghị sĩ; các Ủy ban Chính trị, Kinh tế, Xã hội và Tổ chức; Hội nghị Nghị sĩ trẻ và Thông cáo chung của Đại hội đồng AIPA 41.

Theo đó, về kết quả của Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA), hội nghị đạt được sự nhất trí cao và đã thông qua Nghị quyết về “Vai trò của nữ nghị sĩ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ”. WAIPA kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA và các quốc gia thành viên ASEAN rà soát khung pháp lý quốc gia về việc làm và thu nhập và bảo đảm khả năng thích ứng với vấn đề giới, cũng như đề xuất và thông qua quan điểm chung của ASEAN đối với Mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới; nâng cao năng lực, sự tham gia và các khung khổ giám sát liên quan đến việc làm bền vững và thu nhập của lao động nữ.

WAIPA cũng đề nghị các nghị viện thành viên AIPA quan tâm hơn đến việc phân bổ nguồn lực cho các chính sách, chương trình để giải quyết các vấn đề mới nổi nhằm thúc đẩy việc làm, tăng thu nhập như phát triển kỹ năng kinh doanh và lãnh đạo số cho phụ nữ, kiện toàn các dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái trong và sau khủng hoảng đại dịch COVID-19; bảo đảm bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi và cần thiết trong mọi nỗ lực tái tạo việc làm sau đại dịch…

Về kết quả phiên họp Ủy ban Chính trị, Ủy ban đã xem xét và thông qua 6 báo cáo gồm: Báo cáo của cuộc họp lần thứ 9, lần thứ 10, và lần thứ 11 Nhóm Tư vấn AIPA (AIPA Caucus); Nghị quyết về thông qua Báo cáo đối thoại lãnh đạo ASEAN-AIPA tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30, lần thứ 34 và lần thứ 36.

Phiên họp đã trao đổi sâu rộng về chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì hoà bình, an ninh bền vững và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN”. Các nghị viện thành viên AIPA nhất trí nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngoại giao nghị viện trong thúc đẩy hợp tác khu vực, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực khu vực ứng phó với các thách thức về chính trị, an ninh trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường, với nhiều thách thức và cơ hội đan xen.

Ủy ban Chính trị khẳng định cam kết mạnh mẽ của kênh lập pháp ủng hộ những nỗ lực chung của kênh hành pháp ASEAN thúc đẩy một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, cũng như xây dựng một Cộng đồng hòa bình, ổn định, vì người dân, hướng tới người dân, tự cường và dựa trên luật lệ.

Ủy ban Chính trị tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nguyên tắc thượng tôn pháp luật, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm hoàn thiện bộ Quy tắc ứng xử của các bên  ở Biển Đông (COC) hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982.

Về kết quả phiên họp Ủy ban Kinh tế, Ủy ban đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về “Vai trò của nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19”.

Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tổn thất to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế các nước ASEAN. Ủy ban khẳng định tầm quan trọng của liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phục hồi toàn diện của các nước thành viên ASEAN và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghị viện trong giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Ủy ban quyết nghị ủng hộ việc triển khai các sáng kiến của ASEAN nhằm chủ động và kịp thời ứng phó, đồng thời phối hợp khu vực để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm sự ổn định tài chính, kinh tế vĩ mô và từng bước khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Ủy ban kêu gọi các nước thành viên ASEAN duy trì các biện pháp phòng ngừa ứng phó với đại dịch COVID-19, ban hành những chính sách về giáo dục, việc làm và cải thiện hệ thống y tế công, đồng thời, thực hiện các biện pháp chính sách phù hợp nhằm giảm tác động về mặt kinh tế của đại dịch đến các ngành, nghề chịu tác động mạnh nhất trong ASEAN, bao gồm ngành vận chuyển, du lịch, bán lẻ, sản xuất và ngành dịch vụ khác…

Về kết quả phiên họp của Ủy ban Xã hội, Ủy ban Xã hội đã thảo luận và thông qua 3 nghị quyết.

Nghị quyết thông qua Báo cáo Hội nghị Hội đồng AIPA về hiểm họa ma túy lần thứ ba (AIPA CODD 3) kèm theo Nghị quyết về biến lời nói thành hành động hướng tới một Cộng đồng ASEAN không có ma túy, thể hiện mối quan tâm và sự nỗ lực hành động chung của các nghị viện thành viên AIPA trong xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng trong phòng, chống ma túy vì sự phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh cho mọi người.

Nghị quyết thông qua Báo cáo kèm theo Nghị quyết Hội nghị về đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục và văn hóa vì sự phát triển bền vững, nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục và văn hóa đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc nói riêng cũng như trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nói chung.

Nghị quyết về nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19. Với việc bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động chưa từng thấy của đại dịch đến toàn thế giới nói chung và Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN nói riêng, Ủy ban khẳng định vai trò quan trọng của các nghị viện thành viên ASEAN trong hỗ trợ Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa, xã hội và mục tiêu Tầm nhìn 2025 về xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Ủy ban kêu gọi các nước thành viên ASEAN tiếp tục hành động và tăng cường hợp tác giảm thiểu các tác động của thiên tai và đại dịch đối với người dân các nước ASEAN.

Về kết quả của Ủy ban Tổ chức, Ủy ban đã thông qua 15 nghị quyết quan trọng. Phát biểu tại phiên họp, đại diện các Nghị viện AIPA đã chúc mừng những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA bất chấp những thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại; bày tỏ đánh giá cao các nội dung được thảo luận tại các phiên họp là ý nghĩa và thiết thực; nhất trí với các báo cáo của các phiên họp và nội dung Thông cáo chung.

Về kết quả Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA, hội nghị đánh giá cao sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA, cho rằng hội nghị là dấu ấn lịch sử quan trọng trong việc hình thành cơ chế gặp gỡ, thảo luận dành cho các nghị sĩ trẻ AIPA.

Các đại biểu dự hội nghị đều khẳng định mạnh mẽ vai trò và sự đóng góp quan trọng của thanh niên nói chung và nghị sĩ trẻ nói riêng trong việc tham gia vào quá trình hoạch định chính sách phát triển quốc gia thông qua tư duy táo bạo và đổi mới. Hội nghị nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình hiện nay, với sự phát triển của cách mạng 4.0, tác động của dịch bệnh, sự tham gia của thanh niên, các nghị sĩ trẻ vào phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia thành viên ASEAN, các hoạt động của các nghị viện thành viên AIPA và các hoạt động của AIPA nói chung là rất cần thiết, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Hội nghị thống nhất tăng cường hợp tác giữa nghị sĩ trẻ AIPA và Diễn đàn thanh niên ASEAN trong thực hiện Chương trình hành động thanh niên ASEAN giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo.

Tại hội nghị, lãnh đạo nghị viện các nước thành viên AIPA đã ký thông qua Thông cáo chung Đại hội đồng AIPA 41 bằng hình thức ký điện tử.

Th. Trang
Ý kiến của bạn
Chính thức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 Chính thức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chính thức đề xuất tăng 6% mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động so với mức hiện hành. Thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu mới từ ngày 1/7/2024.