Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh sẽ đảm nhận nhiệm vụ Phó Thống đốc tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ ngày 1/3.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học và Thạc sĩ kinh tế Trường Đại học Birmingham, Vương quốc Anh, là chuyên viên cao cấp, trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trao quyết định bổ nhiệm Phó Thống đốc NHNN cho ông Nguyễn Ngọc Cảnh. Ảnh: SBV.
Tháng 9/2020, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, ông Cảnh có thời gian dài công tác tại NHNN và trải qua các chức vụ như: Trợ lý Thống đốc NHNN, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cũng từng công tác tại Bộ Tài chính với vai trò Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Với việc bổ nhiệm ông Cảnh, Ngân hàng Nhà nước có 1 thống đốc và 6 phó thống đốc, gồm: Thống đốc NHNN là bà Nguyễn Thị Hồng. Phó Thống đốc là các ông Đào Minh Tú, Đoàn Thái Sơn, Phạm Tiến Dũng, Phạm Thanh Hà, Phạm Quang Dũng và ông Nguyễn Ngọc Cảnh.
Trước đó, ngày 24/2, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN.
NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối và các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của NHNN; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.
Về cơ cấu tổ chức, NHNN có 20 đầu mối. Trong đó có 8 Vụ gồm: Chính sách tiền tệ; Thanh toán; Tín dụng các ngành kinh tế; Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính; Hợp tác quốc tế; Pháp chế; Tài chính - Kế toán; Tổ chức cán bộ.
NHNN có 6 cục: Công nghệ thông tin; Phát hành và kho quỹ; Quản lý ngoại hối; Phòng, chống rửa tiền; An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng.
NHNN còn có Văn phòng, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các khu vực (Ngân hàng Nhà nước Khu vực) và 2 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam và Thời báo Ngân hàng. So với trước đây, bộ máy NHNN giảm 5 đầu mối.
Mai Phương
Việt Nam có mức tăng trưởng doanh số ô tô cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2024 với mức tăng trưởng lên tới 22%.