Phố cổ Hà Nội: Hàng loạt cửa hàng đóng cửa vì vắng khách

Xã hội
03:00 PM 19/07/2020

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày cuối tuần, hàng loạt cửa hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, thời trang hay khách sạn, điểm đặt vé, tour du lịch… trên các tuyến phố cổ (quận Hoàn Kiếm) đóng cửa do vắng khách.

    Khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) thường ngày thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng, lượng du khách quốc tế cũng như trong nước giảm dần, việc kinh doanh trở nên ảm đạm, các cửa hàng liên tục đóng cửa.

    Các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Lương Ngọc Quyến, Hàng Mành, Mã Mây… giờ đìu hiu bởi rất nhiều cửa hàng “cửa đóng, then cài”. Hay như phố Tạ Hiện trước đây nườm nượp khách du lịch quốc tế, nay vắng vẻ người qua.

    Trong số các điểm kinh doanh đóng cửa do vắng khách, nhiều nhất là các cửa hàng thủ công mỹ nghệ trên các tuyến phố như Mã Mây, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào …

    Chủ cửa hàng số 57 Hàng Ngang cho biết: “Tôi biết nhiều người đóng, mở cửa hàng hằng ngày là để chờ dịch qua đi chứ khách hàng rất thưa thớt. Bây giờ ai có thể kinh doanh thuê lại cửa hàng tôi sẵn sàng giảm giá 40-50% để chia sẻ cùng họ”. 

    Ngoài vắng khách, thuê mặt bằng với giá cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ cửa hàng ngừng kinh doanh. Những cửa hàng còn có thể mở cửa dịp này phần lớn là do chủ nhà tự kinh doanh, không phải thuê mặt bằng.

    Bà Nguyễn Thị Nga, chủ cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ tại 16 phố Hàng Gai cho biết: “Mới cách đây hơn nửa năm, du khách còn ra vào tấp nập thì nay suốt cả ngày không có nổi vài người vào hỏi mua hàng. Đây là cửa hàng của gia đình nên tôi vẫn duy trì mở hàng chứ thực chất gần như cả tháng không bán được gì”.

    Doanh thu sụt giảm buộc các cửa hàng phải đóng cửa tạo nên cảnh tượng lạ trên phố Hàng Gai xưa nay vốn sầm uất. 

    Cùng với đó, các phòng vé, điểm đặt tour du lịch cũng không thể tồn tại trước đại dịch, buộc phải dừng kinh doanh. Suốt thời gian dài vừa qua, cửa hàng đặt tour du lịch trên phố Hàng Mành này đã đóng cửa. Các cửa hàng đặt tour trên phố Hàng Bạc, Mã Mây cũng trong tình trạng tương tự từ nhiều tháng qua. 

    Cảnh tượng hàng loạt cửa hàng kinh doanh thời trang san sát cùng đóng cửa do không thể trụ nổi bởi doanh thu sụt giảm, chi phí thuê cửa hàng cao cũng diễn ra trên phố Hàng Đường, Hàng Ngang… Nhiều cửa hàng đặt bảng “cho thuê” với mức giá giảm tới 20-50% từ nhiều tháng nay nhưng vẫn không có khách hỏi. 

    Nhiều khách sạn cũng chịu chung số phận vắng khách do cơn “địa chấn” mang tên Covid-19. Những khách sạn đi thuê mặt bằng gần như không thể trụ nổi do chi phí cao. Nhiều chủ khách sạn dù vẫn còn thời gian hợp đồng buộc phải "để đấy" do không có khách thuê phòng.

    Một số chủ khách sạn đứng ra kinh doanh tại nhà còn có thể cầm cự như trường hợp của khách sạn Hà Nội HM Boutique (số 3 Hàng Dầu). Anh Vũ Mạnh Hùng, chủ khách sạn này cho biết, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, khách sạn đã giảm 60% giá phòng, đồng thời cắt giảm từ 20 nhân viên xuống còn 4 người, giảm tối đa chi phí.

    “Tôi còn huy động tất cả thành viên trong gia đình tham gia dọn phòng, lễ tân… ” – Anh Hùng chia sẻ.

    Với những khách sạn khác, đây là dịp để sửa chữa, cải tạo chờ đại dịch qua đi, các đường bay lại kết nối, du khách sẽ quay trở lại như trước dịch. 

    Để thu hút khách du lịch đến với Thủ đô, thành phố đã, đang thực hiện nhiều giải pháp. Theo ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội), trong khuôn khổ lễ hội kích cầu du lịch được thành phố tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp đưa ra hơn 1.000 sản phẩm tour kích cầu, khuyến mãi giảm giá sâu. Dịp này, các công ty lữ hành cũng phối hợp với các điểm đến của Hà Nội giới thiệu sản phẩm du lịch mới, trong đó không thể thiếu là điểm đến phố cổ Hà Nội như một sản phẩm du lịch đặc trưng. Cùng với đó, các hãng hàng không cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá hàng chục nghìn vé máy bay giá rẻ để thu hút du khách đến với Thủ đô.

    Bài và ảnh: Tuyền Lâm
    Ý kiến của bạn