Phó Thủ tướng: Không quyết liệt ứng phó thì vô cùng nguy hiểm
“Nếu chúng ta không quyết liệt ứng phó thì rất nguy hiểm”, Phó thủ tướng cảnh báo và đánh giá cao Ban Chỉ đạo tiền phương cùng các địa phương đã quyết liệt ứng phó với bão số 9, tập trung sơ tán dân, giảm thiểu thiệt hại.
Trưa 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo tiền phương, đặt tại TP. Đà Nẵng, trong lúc bão số 9 đang ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh/thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết, bão vào đã gây mưa rất lớn và gió to, ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) gió có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 13-14. “Bão đã làm sập những nhà yếu, tốc mái hầu hết nhà cấp 4 và những công trình có mái lợp; cây cối đổ rất nhiều, thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt ở Quảng Ngãi và một số địa phương”, Phó Thủ tướng thông tin.
Hiện nay bão mới bắt đầu, sẽ tiếp tục vào sâu đất liền trong những giờ tới và lưu lại rất lâu, nên ảnh hưởng của cơn bão là rất lớn. “Nếu chúng ta không quyết liệt ứng phó thì rất nguy hiểm”, Phó thủ tướng cảnh báo và đánh giá cao Ban Chỉ đạo tiền phương cùng các địa phương đã quyết liệt ứng phó với bão số 9, tập trung sơ tán dân, giảm thiểu thiệt hại.
Thông tin thiệt hại về người, Phó Thủ tướng cho biết 2 trường hợp tử vong ở Quảng Ngãi do chằng chống nhà ở, chặt tỉa cành cây để chống bão. Ngoài ra, có 26 thuyền biên bị mất tích do 2 tàu bị chìm. “Người dân di chuyển chậm quá, tàu chết máy cộng sóng lớn nên đã bị chìm”, Phó Thủ tướng nói.
Nhận định tình hình hiện nay rất khẩn cấp, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo thường xuyên liên lạc với các địa phương để nắm tình hình. Bản thân ông từ sáng cũng liên tục gọi điện cho lãnh đạo các địa phương để cập nhật thông tin và có chỉ đạo kịp thời.
Nhắc lại điểm trú tránh bão ở Trung tâm Dịch vụ việc làm ở Đà Nẵng sáng nay, qua quan sát Phó Thủ tướng nhận thấy có những điểm không an toàn nên chính quyền Đà Nẵng đã kịp thời sơ tán dân khỏi đó, một số khác xuống hầm trú tránh.
“Người dân phải chấp hành nghiêm theo chỉ đạo của chính quyền. Khi nào chính quyền cho về mới được về. Tránh trường hợp người dân tiếc của, khi thấy bão lặng trở về sửa nhà rất dễ bị thiệt hại về người và của”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên gọi điện cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng như các thành viên Ban Chỉ đạo tiền phương, theo sát và chỉ đạo kịp thời đối với công tác ứng phó bão số 9.
Ngay khi điều kiện cho phép, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác sẽ tiếp tục di chuyển vào các tỉnh phía nam Trung bộ để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của bão số 9.
Theo thông tin tại cuộc họp, hiện các tỉnh từ Quảng Nam đến phía bắc tỉnh Bình Định đang có gió cấp 11-12, giật cấp 14. Tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên có gió cấp 8-10, giật cấp 12. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai; Quảng Bình, Quảng Trị, phía bắc tỉnh Khánh Hòa có gió từ cấp 6 đến cấp 8, giật cấp 10. Vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên có sóng và nước dâng từ 7,5 - 9,5 m. Toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm (46 tàu/368 LĐ Bình Định đã ra khỏi khu vực nguy hiểm).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ tàu cá BĐ98658 TS đang gặp nạn trên vùng biển Bình Định. Dự kiến khoảng 20 giờ tối nay các tàu cứu hộ sẽ tiếp cận tàu cá gặp nạn. Hiện sức khỏe các thuyền viên trên tàu cá gặp nạn ổn định.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết sau cuộc họp sáng nay, Bộ Quốc phòng đã quyết định điều động thêm tàu Kiểm ngư 490 cũng từ Cam Ranh xuất phát ra khu vực tàu BĐ 96338 bị chìm lúc 13h30 ngày 27/10. “Bộ Quốc phòng cũng nghiên cứu phương án sẵn sàng sử dụng máy bay để bay tìm kiếm, thả phao và thông báo cho các lực lượng tàu tìm kiếm nạn nhân trôi dạt trên biển. Đội bay sẽ sẵn sàng ngay khi thời tiết cho phép”, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình thông tin.
P. Thủy (t/h)Theo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán lẻ điện năm 2024 được điều chỉnh lên 2.103 đồng/kWh.