Phó Thủ tướng: Ngay cả máy bay, ô tô cũng phải sơ tán
Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, rất nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng rộng nên chính quyền và địa phương không được chủ quan. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngay cả máy bay, ô tô cũng phải sơ tán, đặc biệt là đường dây truyền tải điện, hệ thống viễn thông cũng cần phải bảo vệ; đồng thời phải triệt để cấm người dân ra ngoài khi có bão.
Chiều 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9, đặt tại Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung, TP Đà Nẵng. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Lãnh đạo các bộ ngành, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.
Theo Phó Thủ tướng, bão số 9 đang là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu mùa và có khả năng ảnh hưởng từ Hà Tĩnh đến Bình Định của nước ta, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m, biển động dữ dội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây vào miền Trung. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hơn 10 tiếng nữa bão sẽ vào bờ. Lúc này bão đang mạnh nhất. Bắt đầu từ đêm nay, hoàn lưu của bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh, TP từ Đà Nẵng đến Bình Định. Ngay sau khi vào bờ, bão không yếu mà có thể đến Bắc Tây Nguyên vẫn có gió mạnh cấp 8, cấp 9. Trong đợt này sẽ mưa 200-300mm. Bão gây sóng lớn, các vùng trũng thấp ven sông sẽ ngập sâu bởi triều cường. Đây là cơ bão mạnh nhất 20 năm gần đây, tương đương với bão Sangxen năm 2006 vào Đà Nẵng và mạnh hơn bão Dambrey vào Nha Trang, Khánh Hòa năm 2018.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Cục phòng chống thiên tai cho biết, hiện bão đang cách bờ 450km, khoảng 10 giờ sáng mai, bão sẽ vào từ Quảng Nam đến Bình Định. Hiện còn 142 tàu của Bình Định đang thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, còn lại đều đã vào nơi an toàn. TP Đà Nẵng cho 144 tàu vận tải vào các cảng và vịnh. Quảng Nam có 1 tàu, Bình Định có 78 tàu biển, hiện đang vào Vũng Rô và Vân Phong để tránh bão. Về công tác sơ tán dân, Thừa Thiên Huế có kế hoạch sơ tán 19.000 hộ; TP Đà Nẵng sơ tán 35.000 dân; Tỉnh Quảng Nam sơ tán 42.000 dân; Quảng Ngãi sơ tán 94.000 dân; Bình Định sơ tán 96.000 dân; Phú Yên sơ tán 27.000 dân. Các tỉnh, thành phố sẽ sơ tán trước 18h chiều nay.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá các địa phương đã chủ động huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống bão. Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, rất nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng rộng nên chính quyền và địa phương không được chủ quan.
Phó Thủ tướng nêu kinh nghiệm cơn bão Dambrey năm 2017 vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa làm hơn 100 người chết, hàng chục tàu vận tải bị nhấn chìm trên cảng Quy Nhơn nên các địa phương phải đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè trên biển. Trên đất liền phải kiên quyết sơ tán dân vùng xung yếu, chằng chống nhà cửa kho tàng, trường học, bệnh viện, công sở, các công trình đang xây dựng, không để cần cẩu quay tít như ở TP Nha Trang năm 2017; Cả tấm kính to khổng lồ trong khách sạn bị gió thổi bay.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngay cả máy bay, ô tô cũng phải sơ tán, đặc biệt là đường dây truyền tải điện, hệ thống viễn thông cũng phải bảo vệ; đồng thời phải triệt để cấm người dân ra ngoài khi có bão.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, đảm bảo vận hành an toàn, chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão; bố trí lực lượng với phương châm “4 tại chỗ”. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng các Quân khu, Quân khu đoàn sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão số 9.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đã có kế hoạch sơ tán cụ thể từng khu dân cư, di dời cẩu xây dựng vận thang các công trình trước 17h chiều nay. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã dự trữ lương thực đối với các xã bị chia cắt. Các hồ thủy điện đều đã vận hành đưa mực nước về mức thấp nhất đón lũ, có thể hứng 200 triệu m3 nước. Nếu mưa 200-300mm thì đảm bảo cắt lũ an toàn. Đến 17h chiều nay, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành sơ tán dân. Hiện không còn tàu nào còn ở ngoài khơi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, cơn bão này rất quái dị, đi rất nhanh, không có không khí lạnh, khô nên cơn bão này không giảm cấp. Vì vùng ảnh hưởng của bão rất lớn nên các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên cũng phải hết sức cảnh giác. Các tỉnh Nam Trung bộ là địa phương ít kinh nghiệm đối phó với bão nên không được chủ quan. Các địa phương khẩn trương rà soát lại tàu thuyền đã vào bờ, sơ tán toàn bộ người dân trên vùng lồng bè, tàu vận tải vãng lai.
Bộ Quốc phòng cho biết, đã chuẩn bị 66.000 người với 1716 phương tiện các loại, trong đó, 79 tàu to, 7 máy bay trực thăng các loại xuồng hỗ trợ các địa phương phòng chống bão.
P. ThủyTheo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán lẻ điện năm 2024 được điều chỉnh lên 2.103 đồng/kWh.