Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các điểm xung yếu ở Thanh Hóa
Ngày 22/7, khi bão số 3 (bão Wipha) bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão tại công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà.
Cùng đi có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp. Về phía tỉnh Thanh Hoá có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá.
Kiểm tra công trình kè chống sạt lở hữu – tả sông Chu khu vực cầu Vạn Hà, Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của địa phương và các đơn vị thi công trong việc hoàn thành dự án đúng tiến độ, góp phần bảo đảm an toàn hạ tầng giao thông và phòng, chống thiên tai cho khu vực.
Đây là công trình thuộc khu vực cầu Vạn Hà có tổng chiều dài khoảng 7,8 km, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 12/2023, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Vị trí này từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến trụ cầu Vạn Hà và các khu dân cư lân cận. Việc hoàn thiện tuyến kè hai bên bờ không chỉ bảo vệ kết cấu cầu mà còn giúp ổn định dòng chảy, phòng ngừa rủi ro sạt lở trong mùa mưa bão.

Công trình kè chống sạt lở hữu – tả sông Chu khu vực cầu Vạn Hà, có tổng chiều dài khoảng 7,8 km, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 12/2023, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính.
Tại cống Ngọc Quang, xã Xuân Lập, nơi đã có hiện tượng ngấm nước. Hiện tại, địa phương đã dự trữ khoảng 1.000 m³ đất đắp, phương tiện cơ giới và sẵn sàng phương án huy động khoảng 200 người để xử lý ngay nếu xảy ra sự cố.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vị trí có nguy cơ cao, cần thường xuyên kiểm tra, trực ban 24/24h trong thời gian bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để ứng phó kịp thời, tránh tình trạng chủ quan, lơ là mất cảnh giác dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Tại hồ Cửa Đạt, công trình thủy lợi – thủy điện quan trọng ở thượng nguồn sông Chu với dung tích 1,4 tỷ m3, đại diện đơn vị quản lý, vận hành cho biết, theo tính toán kịch bản cực đoan với lượng mưa khoảng 400–500mm, mực nước hồ Cửa Đạt hiện nay có thể lên đến 104m, trong khi mực nước dâng bình thường là 110m. Phương án điều tiết sớm đang được cân nhắc. Dữ liệu nước từ thượng nguồn đổ về hồ Cửa Đạt, trong đó có thủy điện Hủa Na (Lào) đang được theo dõi, cập nhật liên tục. Tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức chỉ đạo tập trung bảo đảm dữ liệu quan trắc và dự báo được cập nhật liên tục, trực tuyến, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hồ Cửa Đạt đối với an toàn hạ du, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu công tác vận hành phải hết sức chủ động, tính toán kỹ các kịch bản, phương án không để bị động khi mưa lớn, kéo dài xảy ra. Các cơ quan chuyên môn phải theo dõi sát tình hình mưa, dòng chảy đổ về hồ từ lưu vực, nhất là khu vực phía thượng nguồn Lào.
Dù hệ thống vận hành hồ có hiện đại nhưng các đơn vị vẫn phải tập trung cao độ, chủ động điều tiết sớm để giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh mưa lũ ngày càng khó lường. Theo dõi sát tình hình thời tiết, lượng mưa, phân bố lưu vực nước về là yếu tố then chốt để đưa ra quyết định điều tiết phù hợp, tránh bị động và gây thiệt hại nặng nề khi có tình huống xấu xảy ra.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hồ Cửa Đạt đối với an toàn hạ du.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá tại các điểm kiểm tra, Phó Thủ tướng cho biết, theo thông tin được cập nhật liên tục, sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 3 đã giảm cấp gió và sức giật. Trọng tâm ứng phó lúc này phải chuyển sang vấn đề mưa lớn – nhất là mưa lớn kéo dài, có thể tiếp diễn trong hôm nay và ngày mai. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến các khu vực hồ, đập, hồ chứa, nhất là các hồ lớn. Đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi lượng mưa vượt ngưỡng. Nhất là khi Thanh Hóa và Bắc Nghệ An được xác định là những địa bàn trọng điểm về mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3, cần đặc biệt quan tâm theo dõi, cập nhật diễn biến để chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh đó, đối với khu vực miền núi nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cũng phải được rà soát kỹ lưỡng. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trực tiếp kiểm tra, phân công kiểm soát những khu vực trọng điểm có thể xảy ra tình huống nguy hiểm. Lực lượng chức năng phải thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình để chủ động sơ tán người dân đến điểm an toàn, tuyệt đối không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm. Phó Thủ tướng yêu cầu các xã có ngập tràn có khả năng ngập khi mưa lớn phải chủ động cắt cử lực lượng canh gác, cảnh báo người dân không lưu thông qua khu vực nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa chủ động rà soát, nhận diện các điểm đê, đập xung yếu để có phương án bảo vệ. Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng vũ trang luôn trong trạng thái trực sẵn sàng để phối hợp xử lý khi cần thiết. Đặc biệt là trong việc hỗ trợ người dân di dời khi có tình huống xảy ra.Đồng thời, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, điều tiết xả lũ linh hoạt để đảm bảo an toàn cho người dân và công trình khu vực hạ lưu
Yến Hoàng
Từ cảng biển đến sân bay, Nghệ An đang từng bước chuyển mình đầy tích cực từ những hoạch định mang tầm chiến lược, hứa hẹn sẽ vươn mình, phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của đất nước…