Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Không chủ quan, song khi đã tiêm hết vaccine, thì TP. HCM cần mở ra chắc chắn nhưng cũng phải rất mạnh dạn'
"Chúng ta mở sớm ngày nào thì nhiều người có lương, khó khăn sẽ đỡ đi. Tinh thần chung là không chủ quan nhưng khi đã tiêm hết vaccine, chuẩn bị thuốc men, cơ sở điều trị thì Thành phố cần vững tin mở ra chắc chắn nhưng cũng phải rất mạnh dạn", Phó Thủ tướng lưu ý.
Chiều ngày 7/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Tại đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sau 5 ngày siết chặt giãn cách xã hội, thành phố đã rất nỗ lực và đạt được kết quả tương đối rõ nét.
'Mọi người rất vất vả mấy tháng rồi!'
"Những ngày qua, TP.HCM đã giãn cách nghiêm, tranh thủ xét nghiệm tìm F0, lo an sinh, tiêm vaccine. Các lực lượng của thành phố đã rất vất vả, nỗ lực rất cao không chỉ trong 15 ngày mà gần 100 ngày".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: "Từ 2 tháng nay, tôi nhiều lần vào đây, thấy rõ toàn bộ lực lượng của thành phố toàn tâm toàn ý, không kể ngày đêm. Tôi rất trân trọng nỗ lực của bà con TP.HCM, mọi người rất vất vả mấy tháng rồi".
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, người dân TP.HCM đã thật sự đồng hành cùng chính quyền. "Tôi đi thấy bà con rất thương nhau, hỗ trợ nhau rất tốt, từ doanh nghiệp tới các tổ chức thiện nguyện".
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự sáng tạo của TP.HCM. Đây là đặc trưng của TP.HCM từ đổi mới tới nay. Rất nhiều sáng kiến được nghĩ ra để bảo vệ người dân. Ví dụ như thu dung, chăm sóc F0, không coi F0 là người bệnh của Củ Chi; hay quận 6, quận Phú Nhuận chủ động "xé rào" để điều trị; hay Bí thư, Chủ tịch quận 7 đưa oxy công nghiệp vào bệnh viện.
Đó là những sáng tạo xuất phát từ tinh thần của TP.HCM. Phó Thủ tướng cho hay, thành phố nên nêu những vấn đề có tính nguyên tắc, còn lại để địa phương chủ động, sáng tạo. Thế mạnh của TP.HCM là dám nghĩ, dám làm và cần phát huy.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Mở cửa từng bước trên một số cơ sở
Cùng với đó, thành phố cần củng cố kết quả đã làm được để cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Thành phố cần mở cửa từng bước thật an toàn, chắc chắn, dựa trên một số cơ sở.
Thứ nhất, thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 cho trên 80% dân số từ 18 tuổi. Thời gian tới, Trung ương tiếp tục dồn vaccine để thành phố tiêm mũi 2. "Đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm nhưng không bị nặng".
Thứ hai, TP.HCM luôn sẵn sàng túi thuốc, oxy điều trị.
Thứ ba, người dân đã thực hiện 5K và giãn cách thành thói quen. "Chúng ta mở sớm ngày nào thì nhiều người có lương, khó khăn sẽ đỡ đi. Tinh thần chung là không chủ quan nhưng khi đã tiêm hết vaccine, chuẩn bị thuốc men, cơ sở điều trị thì Thành phố cần vững tin mở ra chắc chắn nhưng cũng phải rất mạnh dạn".
Phó Thủ tướng nói rõ, lực lượng Trung ương chi viện vào TP.HCM là rất quan trọng, mấy tuần tới chưa thể rút được nhưng những nơi đã làm tốt có thể phân bổ lại lực lượng. Gánh nặng lớn của thành phố là lao động từ các tỉnh khác. Do vậy, đề nghị tổ công tác đặc biệt của Chính phủ có đề xuất để thành phố có thể chủ động giải quyết 2 điểm cho người dân.
'Dù nỗ lực mấy, cũng không thể đạt bình đẳng tuyệt đối!'
TP.HCM có hệ thống y tế cơ sở, y tế tư nhân phát triển rất mạnh, có lợi thế. Khi phòng, chống dịch bệnh đang thiếu hụt nhân lực, thành phố đã kêu gọi hệ thống y tế tư nhân tham gia một bước nhưng tới đây, lực lượng Trung ương rút đi, TP đã gửi văn bản cho Bộ Y tế và Bộ Tài chính để xin cơ chế.
Phó Thủ tướng cho biết: "Chúng ta đã chi cho đơn vị công lập thế nào thì chi như vậy cho hệ thống tư nhân". Theo đó, 2 nguyên tắc khi tư nhân tham gia điều trị là sự tự nguyện của người dân và minh bạch.
Đối với giáo dục, Phó Thủ tướng đề nghị cần sớm tiến hành để học sinh có thể đi học lại vì TP.HCM còn nhiều gia đình khó khăn. Dù nỗ lực mấy thì cũng không thể đạt bình đẳng tuyệt đối. Theo đó, chính quyền sẽ làm việc thêm với Đài Truyền hình TP.HCM và Đài Truyền hình Việt Nam để tăng cường chương trình cho học sinh vì học qua truyền hình dễ hơn qua mạng.
Hà TrầnBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.