Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành du lịch cần "số hóa" để phát triển bền vững
Sáng nay (8/1), tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tích mà ngành Văn hóa, thể thao và du lịch đạt được trong năm vừa qua. Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành đã khắc phục khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Đặc biệt, từ sau khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ đặc biệt là Bộ VHTT&DL, các địa phương, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Không chỉ phát triển nằm trong quy mô top 10 tăng trưởng thế giới, trong 5 năm qua, du lịch Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về tốc độ tăng trưởng; hạ tầng công trình phục vụ du lịch quy mô, chất lượng; đạt được nhiều giải thưởng du lịch danh giá, hàng trăm các giải thưởng của doanh nghiệp ở tầm quốc tế và khu vực…
Năm 2020, ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành du lịch cần phải chủ động hơn nữa, nắm bắt cơ hội, áp dụng triệt để công nghệ, chuyển đổi số để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng nêu: "Hiện nay, theo quy định, Bộ VHTT&DL chỉ quản lý được các khách sạn từ 3 sao trở lên. Vậy, có bao nhiêu khách sạn trong cả nước bộ có nắm được không, nhất là các khách sạn 1 sao, 2 sao, HomeStay?". Phó Thủ tướng cho rằng, muốn nắm được thì phải có công nghệ, ngành du lịch phải được số hóa.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2021, Bộ VHTT&DL cần kiên quyết triển khai vấn đề này, phải lập Ban chỉ đạo số hóa do Bộ trưởng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thông qua công cụ do Bộ quản lý, vận hành thì các chủ nhà nghỉ, nhà hàng sẽ tự cập nhật lên với mục đích nhằm quảng bá thương hiệu của chính mình, hạn chế tình trạng doanh nghiệp nước ngoài "bao thầu" các ứng dụng đặt phòng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL cần phải số hóa thống kê từ ngành Công an, đó chính là dữ liệu sau này để nâng cao hơn nữa công tác quản lý ví dụ như thống kê về các cơ sở kinh doanh lưu trú trong cả nước…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, về công tác xây dựng thể chế, chính sách phát triển du lịch, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; trình Thủ tướng Chính phủ cho lồng ghép đề án "Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch" và đề án "Khai thác chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch".
Bộ cũng đã xây dựng dự thảo Tuyên bố chung về du lịch số ASEAN đã được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị lần thứ 37; trình Thủ tướng Chính phủ 3 nước thông qua "Kế hoạch phát triển du lịch của khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030" tại Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 11.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, năm 2020, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực Châu Á và của Thế giới, như: Điểm đến Di sản hàng đầu, Điểm đến Văn hóa hàng đầu và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu, Điểm đến Golf tốt nhất. Lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Qua đó đã khẳng định thương hiệu, chất lượng của du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2020, các chỉ tiêu ngành du lịch đều giảm mạnh so với năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 79,5%; Khách du lịch nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%, trong đó có 28,7% triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 58,7%.
Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.