Phòng chống đuối nước ở trẻ em, trách nhiệm không của riêng ai

Địa phương
08:11 AM 22/07/2025

Đuối nước đã và đang trở thành vấn đề nóng, được xã hội hết sức quan tâm, là vấn đề có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em, do không có các kỹ năng dưới nước hoặc tai nạn bất ngờ. Vì vậy cần nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng tránh đuối nước.

Tai nạn đuối nước ở trẻ em không còn là chuyện hiếm gặp, nhưng điều không ngờ tới là tai nạn thường xảy ra ở những nơi gần gũi như trong khuôn viên nhà, ao, hồ, sông, rạch, trên đường trẻ đến trường hay tại các điểm vui chơi quen thuộc.

Nguyên nhân dẫn đến đuối nước rất đa dạng, nhưng nổi bật là do ảnh hưởng bất ngờ của thiên tai, mưa lớn, lũ cuốn, triều cường hay sự thiếu hụt các điều kiện vui chơi an toàn cho trẻ tại những khu vực gần sông nước. Đáng lo ngại hơn, nhiều gia đình còn tồn tại các bẫy nước tiềm ẩn ngay trong sinh hoạt hằng ngày: từ ao, hồ, mương máng, giếng nước đến những vật dụng tưởng chừng vô hại như bồn tắm, lu, chậu, thùng chứa nước sinh hoạt...

Phòng chống đuối nước ở trẻ em, trách nhiệm không của riêng ai- Ảnh 1.

Phòng CSGT, Công an TP Cần Thơ tổ chức tuyên truyền về ATGT đường thủy tại các bến đò

Trước thực trạng tai nạn đuối nước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong mùa hè và mùa mưa bão, lực lượng Công an thành phố Cần Thơ đã và đang phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong công tác phòng ngừa, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em. 

Mỗi năm, trên cả nước ghi nhận hàng trăm vụ đuối nước thương tâm, trong đó phần lớn nạn nhân là trẻ nhỏ do thiếu kỹ năng bơi lội, thiếu sự giám sát và điều kiện sinh hoạt gần sông rạch, ao hồ mà không có rào chắn hay cảnh báo an toàn. 

Trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tình trạng tương tự vẫn còn hiện hữu, nhất là tại các vùng ven, khu vực nông thôn với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Nhận thức rõ tính chất cấp thiết và hệ lụy từ các vụ đuối nước, Công an thành phố Cần Thơ đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa.

Những năm gần đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Cần Thơ đã phối hợp chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa đuối nước, như phát áo phao, dụng cụ nổi miễn phí cho người dân tại các bến đò, khu vực sông rạch đông dân cư sinh sống và buôn bán. 

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông đường thủy, nhấn mạnh việc sử dụng áo phao khi đi ghe xuồng, nhất là với trẻ em, người già, phụ nữ. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an thành phố thường xuyên mở lớp hướng dẫn kỹ năng cứu hộ, sơ cấp cứu dưới nước và phối hợp tổ chức tuyên truyền lưu động tại trường học, khu dân cư để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho người dân.

Những việc làm ấy không chỉ thể hiện vai trò của lực lượng Công an trong công tác phòng chống tai nạn thương tích cho cộng đồng, mà còn là minh chứng cụ thể cho tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, thể hiện trách nhiệm xã hội sâu sắc trước sự an toàn, bình yên của mỗi gia đình. Trong từng hành động, từng mô hình cụ thể, lực lượng Công an nhân dân đang từng ngày vun đắp niềm tin của người dân, bảo vệ trẻ thơ trước hiểm họa đuối nước, một trong những vấn đề nhức nhối nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng hành động kịp thời và trách nhiệm cộng đồng.

Hướng đến Ngày toàn dân phòng, chống đuối nước 25/7, là dịp để cộng đồng cùng nhìn lại: Chúng ta cần làm gì để giữ con trẻ an toàn trước hiểm họa sông nước? Bởi mỗi vụ đuối nước xảy ra, là một lời cảnh báo và mỗi hành động hôm nay, là một cơ hội để cứu lấy những nụ cười mai sau.

Phòng chống đuối nước ở trẻ em, trách nhiệm không của riêng ai- Ảnh 2.

Những biện pháp phòng tránh đuối nước. Nguồn: TTXVN

Phòng tránh đuối nước không là trách nhiệm của riêng ai, mà là sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đừng để sự bất cẩn phải trả giá quá đắt, hãy hành động từ hôm nay bằng những giải pháp cụ thể:

Không để trẻ tự ý đi tắm biển, sông, hồ, ao, suối mà không có sự giám sát của người lớn.

Làm rào chắn quanh ao, hồ nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…) khi không sử dụng.

Thường xuyên nhắc nhở trẻ em về các biện pháp phòng tránh đuối nước ở các tình huống thường gặp tại môi trường mà các em đang sinhsống. Hướng dẫn cho trẻ nhỏ, học sinh không chơi đùa với nước khi không có sự giám sát của người lớn, dạy cho trẻ nhận biết những khu vực có nguy cơ bị đuối nước. Việc nhắc nhở, hướng dẫn phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và kiên trì sẽ giúp cho các em dần hình thành ý thức, thói quen tự bảo vệ bản thân.

Cho trẻ tham gia học các lớp học kỹ năng bơi lội, kiến thức an toàn dưới nước.

Luôn tuân thủ nguyên tắc an toàn khi lên, xuống các phương tiện giao thông đường thủy (đò, tàu, thuyền, ghe,…) theo hướng dẫn của chủ phương tiện hoặc bảng chỉ dẫn tại bến. Luôn ghi nhớ khi lên phương tiện giao thông đường thủy phải mặc áo phao và quan sát vị trí các thiết bị cứu sinh để chủ động sử dụng khi không may gặp sự cố.

Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua kênh, rạch. Không di chuyển nhiều trên mặt nước, đặc biệt là vùng nước chảy xiết, sông lớn. Chú ý hơn đến việc trông nom, chăm sóc trẻ em để phòng tránh đuối nước tại nhà hoặc ở nơi sơ tán tránh lũ lụt. Sơ tán trẻ em đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết. Các bậc phụ huynh cũng nên trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước, cứu người bị đuối nước và các kỹ năng sơ cấp cứu.

Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Thương mại điện tử: Đòn bẩy xuất khẩu bền vững Thương mại điện tử: Đòn bẩy xuất khẩu bền vững

Trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu, chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) đang là một trong những động lực then chốt giúp Việt Nam hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.