Phòng chống tái dịch Covid-19: Lợi thế của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam

Đầu tư và Tiếp thị
10:20 PM 23/07/2020

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 nhằm kêu gọi cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài; thúc đẩy liên kết, kết nối giữa khu vực FDI với các thành phần kinh tế trong nước. Đồng thời, hướng đến nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường...

    Trong 5 tháng đầu năm 2020, ước thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép FDI mới với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 37%, các ngành còn lại đạt 685,3 triệu USD, chiếm 9,2%.

    Tuy tổng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có xu hướng giảm, song Việt Nam được xem là đất lành cho dòng vốn FDI chất lượng cao từ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và sau đại dịch Covid-19.

    Lắp ráp máy tính bảng tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Hải Anh

    Theo chuyên gia IMF, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào một thị trường nào đó. Việt Nam đã trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

    Việt Nam được đánh giá là điểm sáng kinh tế khu vực Đông Nam Á. Với mức độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và sức hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã và đang thể hiện mình là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Lý do doanh nghiệp nước ngoài nên đầu tư vào Việt Nam:

    Vị trí địa lý thuận lợi: Sở hữu đường bờ biển dài, gần với các tuyến vận tải chính của thế giới, nằm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là trung tâm kết nối của khu vực; cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây Đông Nam Á, với những điều kiện tự nhiên hoàn hảo phục vụ cho quá trình giao thương quốc tế, chính  là điều kiện hoàn hảo cho quá trình thương mại.
    Việt Nam có vị trí tiếp giáp nước láng giềng là Trung Quốc. Hai thành phố lớn ở Việt Nam là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ở phía Bắc, Thành phố Hà Nội có được cơ hội kinh doanh rất thuận lợi. Thành phố Hồ Chí Minh, có dân số lớn nhất, nằm ở phía Nam, được xem là “thánh địa” công nghiệp của Việt Nam.

    Chính trị ổn định: Sự ổn định chính trị của Việt Nam là một trong những yếu tố hàng đầu hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam. Nếu so sánh với một số quốc gia trong khu vực, dễ dàng thấy rằng hầu hết các nước đều đã trải qua các cuộc đảo chính hay khủng hoảng chính trị. Trong khi đó, chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đảm bảo cho sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế.

    Nền kinh tế ổn định và năng động: Trong những năm vừa qua, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1991 – 2010 đạt khoảng 7,5% và trong giai đoạn 2011-2013 dù gặp nhiều khó khăn vẫn đạt 5,6%. Với GDP vào khoảng 223 tỉ USD và đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017, Việt Nam đã ghi tên mình trong danh sách những nền kinh tế năng động nhất thế giới.

    Chính sách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài: Việt Nam luôn mở cửa để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc cập nhật, điều chỉnh các quy định pháp luật về đầu tư. Việt Nam tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu một số ngành hàng, miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất, v.v. Chính phủ cũng cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

    Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện: Theo Cục Đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

    Thông qua việc Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại:
    - Thành viên của Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA);
    - Hiệp định FTA Việt Nam – EU (có hiệu lực vào đầu năm 2018);
    - Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ;
    - Thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO);

    Điều đó cho thấy Việt Nam đang rất mong muốn thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế đất nước và sẽ tiếp tục ký kết các hiệp định thương mại khác với nhiều quốc gia, đủ chứng minh môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện.

    Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh: Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

    Cơ sở hạ tầng dần được cải thiện: Trước đây, kết cấu hạ tầng hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông được xác định là một trong những nguyên nhân tạo nên rào cản vô hình trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, để tháo gỡ những rào cản này, Chính phủ và các địa phương đã và đang tích cực triển khai thu hút mọi nguồn lực để đầu tư tốt cơ sở hạ tầng: các tuyến đường giao thông huyết mạch, cảng hàng không, các tuyến đường nối cửa khẩu, các khu kinh tế, khu công nghiệp.

    Lực lượng lao động trẻ và có sức cạnh tranh cao: Theo thống kê năm 2017, Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ và cơ cấu dân số ngày càng trẻ hóa với độ tuổi trung bình là 30,8 tuổi. Ngoài sức trẻ, lực lượng lao động Việt Nam còn được đánh giá cao bởi sự chăm chỉ, trình độ học vấn cao và dễ đào tạo. Việt Nam cũng đã, đang tiếp tục đầu tư nhiều vào lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với những thị trường lao động khác trong khu vực.

    Chi phí lao động cạnh tranh: Bên cạnh lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng, chi phí lao động tại Việt Nam được đánh giá là rất cạnh tranh so với khu vực. Hầu hết lao động Việt Nam có kỹ năng làm việc tốt và khả năng thích nghi cao với môi trường làm việc trong khi chi phí lao động chỉ bằng 10% hoặc 5% ở các nước công nghiệp và thấp hơn so với các nước có mức thu nhập tương tự.

    Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do: Sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam là việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều quốc gia và khu vực để thu hút thị trường, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như: Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu; Cộng đồng kinh tế ASEAN; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),… và đang tiếp tục đàm phán trong nhiều thỏa thuận thương mại khác. Việc tăng cường hội nhập với thế giới sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và khu vực khi đầu tư vào Việt Nam. 
     

    Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH
    Ý kiến của bạn