Phòng GD&ĐT huyện Phù Yên – Sơn La: Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập ở tất cả các cấp học
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phù Yên luôn là đơn vị định hướng, xây dựng kế hoạch và kiên trì thực hiện mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo đảm bảo hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn
Kế hoạch từng năm học được triển khai linh hoạt phù hợp với tình hình tại địa phương
Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch COVID-19 tại địa phương. Các đơn vị trường học tổ chức dạy học các nội dung môn học, hoạt động giáo dục với thời lượng hợp lý, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp đối với trẻ em mầm non.
Từ phòng đến các cơ sở giáo dục đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh tới các hoạt động của ngành, củng cố và duy trì chất lượng giáo dục và đào tạo; phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch COVID-19 bùng phát trở lại, bảo đảm các hoạt động giáo dục, đào tạo được thực hiện đúng theo chỉ đạo của ngành.
Các cơ sở giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với trung tâm Y tế huyện, các trậm y tế xã, thị trấn tổ chức thành công chiến dịch tiêm vắc-xin phòng dịch cho người học theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên cập nhật số liệu tiêm phòng Covid-19 cho học sinh, trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi và học sinh từ 12 đến 18 tuổi ở các địa phương nhằm đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho học sinh; triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh. Tính đến ngày 31/7/2022, tỷ lệ tiêm vắc-xin cập nhật trên hệ thống đối với trẻ 5 tuổi: mũi 1 đạt 7,29%, mũi 2 đạt 3,69%; đối với học sinh tiểu học: 77,97%, mũi 2 đạt 46,65%; đối với học sinh THCS: mũi 1 đạt 95,62%, mũi 2 đạt 88,65%.
Chất lượng các cấp học luôn được chú trọng đảm bảo
"Với việc triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện kế hoạch năm học, toàn ngành Giáo dục huyện đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm học vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục, vừa đúng tiến độ thời gian năm học" - Bà Lường Thị Thắm – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết.
Đối với cấp mầm non, Phòng tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025" và Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025; hướng dẫn đơn vị triển khai thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em và duy trì hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non.
Đối với giáo dục phổ thông, phòng chỉ đạo sát sao việc triển khai Chương trình GDPT 2018, đặc biệt đối với lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021 - 2022, thực hiện tổ chức thẩm định danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7 để thực hiện theo đúng lộ trình đổi mới Chương trình và sách giáo khoa GDPT theo quy định và hướng dẫn của Sở GD&ĐT để kịp thời chuẩn bị triển khai năm học 2022 - 2023.
Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy các môn học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh, vừa bảo đảm yêu cầu chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2018. Các trường đã thực hiện dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học. Kế hoạch giáo dục nhà trường đảm bảo thống nhất giữa kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018 và kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2006, tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm khác để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đảm bảo mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Tổ chức kiểm tra, đánh giá bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế về kiểm tra, đánh giá học sinh và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục vững chắc và phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi vào học tiểu học, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Năm học 2021 - 2022, cả nước có 27/27 xã, thị trấn duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong đó có 27/27 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 100% (tăng 3,7% so với năm học trước).
Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh bán trú có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 100%, học sinh bán trú cấp trung học cơ sở tốt nghiệp THCS đạt 100%; có 25% số trường phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Công tác tổ chức và tham gia các Hội thi, kỳ thi các cấp đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể: 362/924 thí sinh tham gia đạt giải trong kì thi giao lưu HSG lớp 6,7,8 cấp huyện; 129/378 thí sinh tham gia đạt giải trong khì thi HSG lớp 9 cấp huyện; 61/103 thí sinh tham gia đạt giải HSG lớp 9 cấp tỉnh; 26/45 dự án KHKT đạt giải cấp huyện; 8/9 dự án KHKT đạt giải cấp tỉnh; 71/76 giáo viên mầm non tham gia đạt danh hiệu GVDG cấp huyện; 71/76 giáo viên mầm non tham gia đạt danh hiệu GVDG cấp huyện; 52/59 giáo viên tiểu học tham gia đạt danh hiệu GVDG cấp huyện; 25/33 giáo viên chủ nhiệm tham gia đạt danh hiệu GVCN giỏi cấp huyện; ..... Những thành tích đó đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; đồng thời, khẳng định hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên giỏi.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tiếp theo, Bà Lường Thị Thắm nhấn mạnh: Chất lượng giáo dục vẫn là định hướng được phòng chú trọng trong thời gian tới. Hơn nữa, công tác nâng cao cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học cũng rất quan trọng. Phòng đã chỉ đạo rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và xác định nhu cầu để triển khai mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018; đánh giá thực trạng các điểm trường lẻ, các trường có quy mô nhỏ; xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp các trường và bố trí số lượng học sinh/lớp theo quy định đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, quyền lợi học tập của học sinh, phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học (ưu tiên bảo đảm 1 lớp/phòng cho cấp tiểu học), phòng chức năng, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú theo các quy định, để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018, đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Mục tiêu cuối cùng là tạo một môi trường học xanh – sạch – đẹp – chất lượng cho tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Đây cũng đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục, nhằm hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Việt Dũng
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.