Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông - tỉnh Điện Biên: Đồng hành cùng người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo

Địa phương
09:24 AM 01/08/2022

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được thành lập theo Quyết định số 143/QĐ-HĐQT, ngày 30/4/2004 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH. Với bộ máy điều hành tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, cán bộ đảm bảo về chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc, luôn nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Quy trình làm việc rõ ràng, hiệu quả

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên Đông hiện có 12 cán bộ, viên chức, người lao động (trong đó: Ban Giám đốc 02 đồng chí; Tổ kế toán ngân quỹ 3 đồng chí (trong đó có 01 Trưởng kế toán, 01 kế toán viên, 01 thủ quỹ); Tổ kế hoạch nghiệp vụ tín dụng 05 đồng chí được phân công theo dõi địa bàn các xã, thị trấn; 02 đồng chí làm công tác bảo vệ; 01 chi bộ trực thuộc Đảng bộ huyện; 01 Công đoàn bộ phận trực thuộc CĐCS NHCSXH tỉnh.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên: Đồng hành cùng người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Phú Khiêm – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH chi nhánh Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện ủy thác cho vay thông qua 04 tổ chức CTXH huyện (HLH Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB và Đoàn Thanh niên). Việc thực hiện cơ chế chính sách cho vay uỷ thác qua các tổ chức CTXH đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức Đoàn thể cấp cơ sở, tiết kiệm đáng kể chi phí quản lý cho NSNN, tạo sự gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa NHCSXH và các tổ chức CTXH, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức CTXH thường xuyên tiếp xúc với hội viên, để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên và tập hợp được quần chúng nhân dân tham gia sinh hoạt Hội, giúp hội viên phát triển kinh tế, từng bước đưa đời sống của hội viên được nâng lên.

Các tổ chức CTXH, BQL Tổ TK&VV phối hợp với NHCSXH huyện truyền tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời có trách nhiệm thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Các tổ chức này là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các Tổ TK&VV, từ đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách dễ dàng, thuận lợi. Bên cạnh đó, các tổ chức CTXH phối hợp với Trưởng bản, tổ dân phố trực tiếp tham gia vào công tác bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV và mục đích sử dụng vốn của hộ vay; Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu kinh tế, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng điểm lại những kết quả cụ thể

Sau khi triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, ban đầu là 2 chương trình, cho vay đối với hộ nghèo nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và chương trình cho vay Giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước huyện, đến nay đã phát triển thêm 15 chương trình mới đó là: Cho vay hộ cận nghèo; Hộ mới thoát nghèo; Xuất khẩu lao động; Học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; Thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên tại vùng khó khăn; Hộ nghèo về nhà ở; Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; hộ dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn; Cho vay Giải quyết việc làm; Nhà ở xã hội; Hộ DTTS theo Quyết định 2085, Hộ gia đình và người nhiễm HIV người sử dụng chất thay thế dạng thuốc phiện và gái bán dâm hoàn lương, Cho vay Quỹ hoàn lương đối với các đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Tất cả chương trình đều đã được triển khai đến các bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cụ thể như sau:

Tổng doanh số cho vay trong 20 năm: 875.988 triệu đồng với 40.990 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ trong 20 năm: 505.839 triệu đồng.

Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đến 30/6/2022 là 364.432 triệu đồng, tăng 358.693 triệu đồng, tương ứng tăng 62,5 lần so với ngày đầu thành lập. Dư nợ tập chung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 90%. Dư nợ tại các xã, bản vùng khó khăn là 335.448 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 92,05% tổng dư nợ toàn huyện.

Những kết quả này cho thấy nguồn vốn đến được tận tay người dân có nhu cầu và luôn đảm bảo nguyên tắc chính xác, kịp thời, nhanh chóng, giúp cho người dân yên tâm làm ăn, vươn lên xóa nghèo, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở địa phương.

20 năm nỗ lực và kiên trì

Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP (2002-2022), đã khẳng định được vai trò của tín dụng chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, được xã hội đồng tình ủng hộ, đồng thời cũng khẳng định chủ trương của Chính phủ tập trung kênh tín dụng chính sách vào một đầu mối và chủ trương huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, hướng về mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội là hướng đi đúng đắn. Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đã thực sự tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng Nhà nước, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

20 năm kiên trì hoạch định chiến lược, tăng cường và củng cố mối quan hệ với các tổ chức CTXH, xây dựng mạng lưới giao dịch đến các xã, thị trấn cùng với các chương trình mục tiêu của huyện, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã góp phần giúp trên 2.868 hộ gia đình thoát nghèo, giúp 2.886 hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững; giúp 1.223 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn không lãi suất và lãi suất thấp để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vượt qua đói nghèo; 537 hộ gia đình có điều kiện sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh đảm bảo trong sinh hoạt, giúp 1.553 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có đủ điều kiện tiếp tục theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học và dạy nghề, góp phần nâng cao lao động qua đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, số lao động được tạo việc làm thông qua vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc đạt 842 lao động; 5.077 lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư chăn nuôi, phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán, phát triển ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Nhiều xã, bản vùng cao tại địa phương đã khởi sắc từ hiệu quả của nguồn vốn vay, dần tự chủ được kinh tế.

Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động

"Nhìn vào những kết quả đạt được, không thể phủ nhận có những lúc công việc toàn thể CB, CNV của Phòng gặp nhiều khó khăn, áp lực. Trước hết phải khẳng định mô hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cơ sở triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP là chủ trương đúng của Đảng và Chính phủ, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, được nhiều tầng lớp Nhân dân ủng hộ. Nhìn lại hành trình 20 năm đầy khó khăn, khó khăn khi nguồn lực triển khai các chương trình còn hạn chế, khó khăn khi đối tượng vay vốn bị thu hẹp, chất lượng tín dụng chưa đồng đều và công tác kiểm tra, giám sát của một số tổ chức hội cơ sở còn chưa được thường xuyên, liên tục, chất lượng kiểm tra chưa cao. Nhưng không vì thế mà chúng tôi để công việc bị đình trệ. Cố gắng tìm điểm thắt để tháo gỡ, tìm ra hướng giải quyết cho phù hợp và rút ra những bài học để khắc phục." - Đồng chí Nguyễn Phú Khiêm – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH chi nhánh Điện Biên Đông đã có những chia sẻ hết sức thiết thực với PV.

Về định hướng công việc trong thời gian tiếp theo, chúng tôi vẫn bám sát Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 của NHCSXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng ổn định và bền vững. NHCSXH huyện Điện Biên Đông tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH cấp trên, của Huyện uỷ, HĐND - UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp và phát huy hơn nữa so với những kết quả đạt được trong 20 năm qua. Không chỉ quan tâm đến lợi ích cho người dân mà Ban Lãnh đạo còn chú trọng nâng cao quyền lợi và phúc lợi cán bộ, viên chức và người lao động để cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với ngành. Xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhân rộng và đề cao điển hình tiên tiến xuất sắc, có nhiều sáng kiến trong công việc, từ đó tạo động lực để các tập thể, cá nhân có trách nhiệm nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, đồng hành cùng với Nhân dân trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Việt Dũng
Ý kiến của bạn