Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Năm học 2020 - 2021 vừa qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự gắn kết của các ban ngành địa phương, cha mẹ học sinh tạo nên sức mạnh tổng hợp để ngành triển khai, thực hiện thắng lợi kế hoạch, nhiệm vụ năm học.
Để thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với điều kiện thực tế đảm bảo chất lượng, chương trình giáo dục theo quy định, Phòng đã rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT, tổ chức nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý, triển khai các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp cho 1544 trường hợp. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, có tư tưởng chính trị vững vàng, tâm huyết, gắn bó với nghề, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ, công việc được giao.
Năm học 2020 - 2021, Nậm Pồ có tổng số 45 trường: Mầm non 15 trường, 129 điểm trường lẻ; Tiểu học 15 trường, 89 điểm trường lẻ, giảm 3 điểm trường lẻ so với năm học 2019 - 2020; THCS 15 trường, tăng 9 lớp, tăng 563 học sinh học so với năm học trước. Toàn huyện có 789 lớp học, trong đó lớp mầm non 307 nhóm/lớp; cấp tiểu học 334 lớp; cấp THCS 148 lớp.
Năm học vừa qua, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Nậm Pồ đã nỗ lực trong sự nghiệp giáo dục. Phòng đang xây dựng kế hoạch sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp ngành GD&ĐT của huyện theo Thông báo số 143-TB/BCS ngày 19/9/2019 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về chủ trương sắp xếp lại Trường Tiểu học Si Pa Phìn và Trường Tiểu học Tân Phong, cùng nhiều trường khác.
Huyện cũng quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, đảm bảo an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc.
Hiện nay, toàn huyện có 28/42 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 66,7% kế hoạch (kế hoạch trên giao trên 65%); cấp mầm non đạt 8/15 trường đạt 53,3%, cấp tiểu học 11/15 trường đạt 73,3%, cấp THCS 9/12 trường đạt 75%. Có 20 trường được cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đạt tỷ lệ 50%, cấp mầm non đạt tỷ lệ 50%, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 77,6%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%…
Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ Ngô Xuân Chiến cho hay: Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển GD&ĐT của cấp trên. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực, tai nạn, thương tích học đường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, hướng dẫn của các cấp.
Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, duy trì và huy động trẻ ra lớp; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trường phổ thông; triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tăng cường định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học hoạt động hiệu quả, giáo dục phổ thông chú trọng đạo đức, lối sống, kỹ năng, lối sống, ý thức trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, xã hội.
Việt DũngMừng xuân Ất Tỵ, núi Bà Đen Tây Ninh sẽ tổ chức Hội xuân núi Bà với quy mô lớn kéo dài suốt tháng Giêng, dự đoán đón hàng triệu lượt khách đến với ngọn núi cao nhất Nam bộ.