Phòng LĐ-TB&XH huyện Giao Thủy: Nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân người có công với cách mạng
Hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy (Nam Định) đã thực hiện tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động các nguồn lực chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, thể hiện lòng tri ân đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, người có công.
Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, trên 24.000 người con của quê hương Giao Thuỷ đã lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, lập nhiều chiến công xuất sắc góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên những chiến công mang tầm thời đại.
Phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy đã tích cực thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với người có công với đất nước. Phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" đã trở thành một hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Hiện nay, toàn huyện có 2.685 liệt sỹ; 2.820 thương, bệnh binh; 2.065 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 239 bà mẹ Việt Nam anh hùng và gần 6.000 người được hưởng chế độ, chính sách người có công với cách mạng. Ngay từ đầu năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) với vai trò là cơ quan thường trực đã làm tốt chức năng tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, UBND các xã thị trấn trong huyện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).
Phòng cùng các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương của huyện Giao Thủy và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân đã tự nguyện vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng "nhà tình nghĩa", xây dựng Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa", "Tổ thương binh tình nghĩa", "Ði tìm đồng đội", "xã, thị trấn làm tốt công tác chăm sóc người có công", mít tinh kỷ niệm, viếng tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà và động viên các gia đình liệt sĩ, thương binh tiêu biểu của huyện khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Thời gian qua, Phòng đã thẩm định hồ sơ, báo giảm trợ cấp hàng tháng đối với người có công; lập danh sách đề nghị giải quyết chế độ mai táng phí cho đối tượng người có công, thân nhân người có công; đối tượng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg; đối tượng theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg; đối tượng theo Nghị định 150/2006/NĐ-CP: 177 hồ sơ.
Phối hợp với các xã, thị trấn tổng hợp và hoàn thiện danh sách quà tặng của Chủ tịch nước, của tỉnh, của huyện cho các đối tượng người có công, thân nhân liệt sĩ, đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như cấp 5.935 suất tiền trợ cấp, quà Tết của Chủ tịch nước; cấp 5.849 suất quà của Tỉnh ủy - HĐND-UBND tỉnh, trong đó, 98 suất quà cho đối tượng người có công và thân nhân liệt sĩ…
Công tác chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội hàng tháng được thực hiện tốt. Chi trả trợ cấp 5 tháng đầu năm cho đối tượng người có công đạt 26.001 lượt người với tổng số tiền là 49,911 tỷ đồng, trong đó, đối tượng BTXH là 61.744 lượt người với tổng số tiền là 33,223 tỷ đồng.
Tích cực hướng dẫn, triển khai tới các địa phương các chính sách quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, tập trung giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng và các diện đối tượng có liên quan theo quy định.
Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã lên kế hoạch tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà người có công, gia đình chính sách nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ; đảm bảo chi trả cho các đối tượng BTXH và người có công hàng tháng theo quy định; tiếp tục thẩm định hồ sơ, báo giảm trợ cấp người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng và lập danh sách chuyên về Sở đề nghị giải quyết chế độ mai táng phí theo quy định; các Nghĩa trang Liệt sỹ và các công trình ghi công khác ở huyện cũng như các địa phương được xây dựng, tu bổ thường xuyên…
Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa trên giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với người có công với cách mạng, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa; vận động nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ưu đãi người có công với cách mạng.
Những hoạt động trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Phòng LĐ-TB&XH huyện Giao Thủy thời gian qua được các cấp đánh giá cao. Song, hiện nay, việc chăm lo cho đối tượng chính sách cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới. Do đó, đòi hỏi trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội cần tiếp tục quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa đối với gia đình chính sách, người có công với nước.
Trong đó, quan tâm thực hiện tốt việc giáo dục ý thức chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ. Đẩy mạnh các phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội. Tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng và đẩy mạnh tiến độ xác nhận, thẩm định đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp đối với thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện chính sách với người có công đúng đối tượng, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ vào nghĩa trang.
Xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang Liệt sỹ, Nhà bia, Đài tưởng niệm ghi công các Anh hùng Liệt sỹ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa công tác "Đền ơn đáp nghĩa’’, mở rộng phong trào "Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình Liệt sỹ, Người có công’’, động viên các gia đình chính sách tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vươn lên bằng ý chí, nghị lực của bản thân, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao mức sống, chung tay xây dựng NTM nâng cao, bền vững.
Văn ThịnhBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.