Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức cho người dân

Địa phương
03:53 PM 01/08/2023

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cấp tỉnh, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.

Lào Cai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm 66,2% dân số. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai có 138 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 66 xã, phường, thị trấn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III, 4 xã khu vực II và 68 xã khu vực I, có 605 thôn đặc biệt khó khăn. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế.

Khá nhiều vụ việc vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng, xâm canh khu vực biên giới và vi phạm liên quan đến ma túy xảy ra do người dân thuộc vùng DTTS không hiểu hoặc hiểu không đúng quy định pháp luật, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn tồn tại khá phổ biến...

photo-1690879089801

Nội dung chính của chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật là lấy người dân làm trung tâm.

Do đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS hết sức quan trọng. Điều đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật cho đồng bào dân tộc, nêu cao vai trò của công dân sống và làm việc theo pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng môi trường lành mạnh cho đồng bào DTTS, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, từng bước thay đổi tập quán lạc hậu trong hôn nhân, thời gian qua, tỉnh Lào Cai nói chung và Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai nói riêng đã tích cực đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phải có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, thời điểm, địa bàn, đối tượng cụ thể, bảo đảm 100% người dân được phổ biến, giáo dục pháp luật....

Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền đã được phòng triển khai và nhân rộng.

photo-1690879090389

Nhiều đoàn kiểm tra chất lượng của các chương trình PBGDPL trên địa bàn tỉnh được thành lập.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023. Ban hành các Kế hoạch về phổ biến pháp luật đợt I và đợt II năm 2023. Cùng với đó là việc trình Hội đồng Phối hợp (PH) PBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch số 143/KH-HĐPH ngày 15/03/2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật đợt I/2023.

Tại các Hội nghị PBPL đợt I, II/2023, Phòng đã tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật mới cho hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; thành viên của Hội đồng PH PBGDPL tỉnh, Tổ Thư ký; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL cấp huyện; báo cáo viên pháp luật...

Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đa dạng hóa như phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp (tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật) thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (loa truyền thanh, internet, báo đài)…

Trong năm 2023, Phòng PBGDPL đã xây dựng các đề án mang tính trọng điểm xây dựng và đảm bảo các mục tiêu quốc gia như "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Lào Cai" giai đoạn 2023 - 2027; "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Lào Cai" giai đoạn 2023 - 2027; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tiểu dự án 2, Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục cần được gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố xét xử, công tác dân vận, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời trong việc vận động, giáo dục quần chúng nhân dân tích cực, chủ động tự nghiên cứu tìm hiểu pháp luật và tham gia, hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật...

Việt Dũng
Ý kiến của bạn