Phong trào thi đua yêu nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 - 2020 phát triển mạnh mẽ

Sự kiện
10:26 PM 03/09/2020

Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước tại tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các phong trào thi đua đã tạo ra động lực, khí thế để Nam Định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước tại tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các phong trào thi đua đã tạo ra động lực, khí thế để Nam Định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của cả nước và khu vực.

Đồng hành với cả nước trong 5 năm qua, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Nam Định đã thực sự tạo khí thế sôi nổi trong sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho kinh tế - xã hội ngày càng phát triển ổn định, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.

Phong trào thi đua yêu nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 - 2020 phát triển mạnh mẽ - Ảnh 1.

Công nghệ mới được áp dụng vào sản xuất ngành dệt may.

Nhiều phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được phát động như phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao"; "Thi đua nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ mới vào sản xuất và đời sống"; "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn"; Phong trào "Nhà sạch, vườn sạch, đường sạch, sông không rác" gắn với mô hình trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường… đã phát huy hiệu quả, lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư; Phong trào "Gia đình nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu"; "Nông dân thi đua xây dựng NTM"… đã huy động có hiệu quả các tiềm lực về vốn, lao động, đất đai cho phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học, giúp hàng nghìn hộ nông dân vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 2,7%/năm; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến 2020 đạt 172 triệu đồng/ha (tăng 43 triệu đồng so với năm 2015). Toàn tỉnh đã hình thành trên 30 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình "cánh đồng lớn" cho hiệu quả kinh tế cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay đã có trên 100 sản phẩm được công nhận đạt 3 - 4 sao. Kinh tế HTX ngày càng đi vào ổn định và có bước phát triển mới; nhiều HTX chuyên ngành được thành lập đã khẳng định được vai trò trong tổ chức sản xuất ở nông thôn, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa với các doanh nghiệp. Tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" Nam Định là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 (sớm hơn 1,5 năm so với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM) và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, Nam Định đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, vượt mục tiêu đề ra. Các phong trào thi đua tiêu biểu "Doanh nghiệp Nam Định hội nhập và phát triển"; "Lao động hiệu quả - Phát triển bền vững - Hội nhập thành công"; "Doanh nghiệp thân thiện với môi trường" gắn với triển khai "Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn" và cuộc vận động "Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam"… liên tục được phát động trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, Nam Định có 9.400 doanh nghiệp trong đó có 4 khu công nghiệp đã thu hút được 178 dự án đầu tư trong nước, 44 dự án đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm cho trên 45.000 lao động. Trong 24 cụm công nghiệp được thành lập thì có 19 cụm đã đi vào hoạt động, thu hút 485 dự án đầu tư, tạo việc làm cho 20.260 lao động; giá trị sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp hiện đang chiếm gần 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Nam Định có 142 làng nghề công nghiệp, TTCN (tăng 19 làng nghề so với năm 2015) với 18.734 hộ, trên 44 nghìn lao động nông thôn tham gia sản xuất, kinh doanh.

Phong trào thi đua yêu nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 - 2020 phát triển mạnh mẽ - Ảnh 2.

Dây chuyền chế biến khoai tây tại Cụm công nghiệp An Xá (TP Nam Định).

5 năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị được tập trung đầu tư xây dựng; tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt 175 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 17,4%/năm; phong trào hiến đất mở đường, làm đường giao thông đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh, nhiều công trình như quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn… nhân dân đã tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, không phải trả tiền đền bù đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm của tỉnh.

Phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị của Nam Định tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng về Thi đua yêu nước của Bác Hồ, Chỉ thị tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Chính trị và Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi; Tăng cường tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các cuộc thi đua, vận động, thu hút sự tham gia tự giác tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động… Trên cơ sở đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thi đua, các phong trào thi đua phải có mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị mình, gắn công việc hằng ngày. Hình thức, cách thức thi đua phải sáng tạo, phong phú, đa dạng, phù hợp từng đối tượng, từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thuận lợi cho mọi người tham gia; thi đua phải thường xuyên liên tục, có kiểm tra, đôn đốc, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến…

Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Nam Định lần thứ V tới đây được tổ chức sẽ là dịp để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020; Đề ra phương hướng nhiệm vụ đẩy mạnh thi đua yêu nước công tác khen thưởng của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; lựa chọn, biểu dương khen thưởng các tập thể cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới tiêu biểu của tỉnh. Qua đó tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối Đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Hoàng Anh
Ý kiến của bạn