Phụ huynh băn khoăn việc trẻ lớp 1 và 2 học online từ đầu năm, sao thi học kỳ trực tiếp?
Việc Bộ GD&ĐT ra hướng dẫn các trường cho học sinh lớp 1, 2 làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tiếp đã khiến phụ huynh ở những vùng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp cảm thấy lo lắng.
Chiều 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo có "Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó COVID-19", trong đó nêu, học sinh lớp 1-2 làm bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm theo hình thức trực tiếp.
Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn rất nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi học sinh học trực tuyến từ đầu năm học, vậy tại sao đến bước kiểm tra, đánh giá lại yêu cầu các con đến trường trực tiếp? Phía các nhà trường, địa phương cũng đang gấp rút chuẩn bị phương án kiểm tra, đánh giá phù hợp với điều kiện dịch bệnh hiện nay.
Là phụ huynh có con năm nay học lớp 1, chị Kim Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn trước hướng dẫn kiểm tra đánh giá đối với học sinh tiểu học mà Bộ GDĐT vừa ban hành.
"Hiện nay, không chỉ riêng Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà rất nhiều tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Hơn nữa, học sinh học trực tuyến từ đầu năm học, vậy tại sao đến bước kiểm tra, đánh giá lại yêu cầu các con đến trường trực tiếp?", chị Thu băn khoăn.
Cùng quan điểm nêu trên, anh Đức Hiếu (Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra bức xúc trước thông tin học sinh lớp 1, lớp 2 kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tiếp.
"Tâm lí phụ huynh ai cũng mong con được đến trường, kiểm tra trực tiếp để đánh giá đúng năng lực, hoàn thành đúng tiến độ năm học. Nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, an toàn cho các con vẫn là trên hết", anh Hiếu nói.
Không chỉ nỗi lo về dịch bệnh, anh Hiếu còn tỏ ra băn khoăn về cách thức tổ chức thi. Bởi nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, trẻ đến trường ôn tập rồi mới kiểm tra trực tiếp. Việc gấp rút đến trường trong tâm thế chuẩn bị cho bài kiểm tra sẽ có sự lúng túng, bỡ ngỡ và thậm chí áp lực cho trẻ.
Nhưng nếu trường không tổ chức ôn tập, chỉ cho trẻ lên lớp để thi thì quả thực là điều vô lí vì cả học kỳ nay, trẻ tiểu học đã quen với việc học trực tuyến. Chưa kể dịch bệnh ngày càng căng thẳng, học sinh tiểu học là đối tượng chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19.
“Nếu không thể tổ chức kiểm tra trực tuyến vì lo sợ chất lượng, nhiều gia đình không đủ thiết bị, máy móc, nhà trường hoàn toàn có thể tạm hoãn bài kiểm tra này lại. Vì suy cho cùng, trẻ lớp 1, 2 chủ yếu học kỹ năng thay vì đặt nặng kiến thức, đánh giá”, anh Hiếu nêu quan điểm.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Đống Đa, quận đang ở cấp độ 3 về phòng dịch ở Hà Nội, cũng bày tỏ băn khoăn. Cô cho rằng với tình hình dịch bệnh trong quận như hiện tại, việc cho học sinh lớp 1, 2 đến trường là bất khả thi. Thời gian này, trường chuẩn bị vào giai đoạn làm đề thi để kiểm tra hết kỳ I cho học sinh.
"Hiện tôi chưa nhận được hướng dẫn chính thức, chi tiết về quy trình, thủ tục để xin phép Phòng Giáo dục và Đào tạo cho kiểm tra trực tuyến. Từ hôm qua đến nay, nhiều giáo viên, phụ huynh cũng thắc mắc nhưng tôi chưa thể trả lời", cô nói.
Từ góc độ quản lý, cô hiệu trưởng cho rằng việc tổ chức kiểm tra trực tuyến hay trực tiếp đều cần thời gian chuẩn bị chu đáo. Do đó, cô mong sớm nhận được hướng dẫn để thông tin rõ ràng tới giáo viên, phụ huynh, đồng thời đủ thời gian để chuẩn bị kế hoạch thi.
Trước băn khoăn của phụ huynh và nhà trường, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), giải thích, Bộ đưa ra công văn hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thời điểm này để các địa phương chủ động lên phương án, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Với học sinh lớp 1-2, Bộ hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kỳ (cuối học kỳ I và cuối năm) với chỉ hai môn là Toán và Tiếng Việt. Hình thức tổ chức là trực tiếp nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập, giúp các nhà trường phối hợp với gia đình điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với học sinh; đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lý của các cấp, tránh hiện tượng học sinh "ngồi nhầm lớp".
Tuy nhiên, diễn biến dịch ở mỗi địa phương là khác nhau. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn rất cụ thể về việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ trực tiếp. Theo đó, để tổ chức được, các nhà trường phải lập kế hoạch thời gian thực hiện, tổ chức họp với phụ huynh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện; chia nhỏ số học sinh mỗi lớp để hướng dẫn, ôn tập, cùng cố kiến thức "cốt lõi" cho các em trước khi làm bài kiểm tra.
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD-ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. Ở trường hợp này, theo quy định trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD-ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
HM (T/h)Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.