Phú Thọ: Lễ hội Đình Hùng Lô được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Văn hóa
10:52 AM 08/04/2022

Sáng 8/4 (tức ngày 8/3 âm lịch) tại đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP Việt Trì, Phú Thọ), Lễ hội truyền thống “Lễ hội Đình Hùng Lô”, xã Hùng Lô đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia và Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Trải qua nhiều thế kỷ, trước bao biến động của chiến tranh những di sản, những tập tục, nếp làng từ xưa đến nay vẫn luôn được người dân Hùng Lô gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Lễ hội làng Xốm, xã Hùng Lô đã có truyền thống lâu đời, mỗi năm tổ chức 2 lần vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 và lễ tiệc Thánh hóa vào ngày 12/9 Âm lịch.

Phú Thọ: Lễ hội Đình Hùng Lô được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 1.

Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận Lễ hội truyền thống “Lễ hội Đình Hùng Lô”, xã Hùng Lô là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia và Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô.

Nghi lễ được chuẩn bị khá chu đáo, công phu trước hàng tháng từ việc sắm lễ vật, nuôi gà thờ, chọn người làm cỗ thờ, chọn trung nam rước kiệu đến việc lựa chọn ngôi chủ tế. Lễ hội Hùng Lô được tổ chức từ ngày 9/3 Âm lịch, tổ chức tế ở đình làng với lễ vật cỗ gà thờ.

Đây là lễ hội mang giá trị lịch sử, là bức tranh tổng hợp của các giá trị văn hóa, chứa đựng gần như đầy đủ các loại hình của văn hóa phi vật thể từ ngữ văn truyền khẩu đến nghệ thuật trình diễn.

Phú Thọ: Lễ hội Đình Hùng Lô được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận Điểm du lịch văn hóa cộng đồng xã Hùng Lô, TP Việt Trì.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Ích - Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: "Hiện nay tại đình Hùng Lô còn lưu giữ một biển thưởng sơn son thiếp vàng với dòng chữ "Kỷ niệm Hùng Vương đệ nhất hội" được thưởng năm Mậu Ngọ (1918). Sau khi rước kiệu lên đền Thượng dự lễ tế Tổ, kiệu xã Hùng Lô được rước về làng với tinh thần hồ hởi, phấn khởi.

Có thể khảng định rằng, nghi lễ rước kiệu của xã Hùng Lô cùng với sự lưu giữ các đồ thờ, cúng tại đình làng thể hiện thái độ hết sức trân trọng đối với lịch sử của các thế hệ người Hùng Lô. Tập tục, nếp làng từ đời này qua đời khác vẫn được lưu giữ, chính là giá trị văn hóa độc đáo của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương".

Với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của lễ rước kiệu, người Hùng Lô đã không chỉ trực tiếp giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước cho các thế hệ ở địa phương mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc một cách thiết thực.

Lễ hội đình Hùng Lô trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hùng Lô và du khách thập phương. Nối mạch truyền thống đạo lý tri ân công đức tiền nhân của dân tộc, với mục đích, tôn chỉ khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, nhất là di sản gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, từng bước nâng cao chất lượng tổ chức Lễ hội truyền thống.

Tháng 01/2021, UBND xã Hùng Lô xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội truyền thống Đình Hùng Lô; ngày 12/01/2022 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 70 công nhận Lễ hội truyền thống Đình Hùng Lô, xã Hùng Lô vào danh mục xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Thu Hường
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.