Phú Thọ: Lễ hội linh tinh tình phộc thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương

Địa phương
01:56 PM 21/02/2024

Lễ hội Trò Trám, hay còn gọi là 'Linh tinh tình phộc' của người dân xóm Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ tổ chức hằng năm vào đêm 11 và ngày 12 tháng Giêng âm lịch, thu hút người dân khắp nơi nô nức về tham gia. Đây là lễ hội độc đáo bậc nhất, được tổ chức nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người Việt.

Lễ hội Trò Trám gồm 2 phần, phần hội và phần lễ: Phần hội của Trò Trám là hội trình nghề “tứ dân chi nghiệp” (sĩ, nông, công, thương) hay còn gọi là trò “Bách nghệ khôi hài” được người dân xóm Trám trình diễn trò tại sân miếu, với những lời ca vui nhộn, mang tính hài hước, mua vui, rất gần với đời sống sinh hoạt đời thường của nhân dân.

Phú Thọ: Lễ hội linh tinh tình phộc thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương- Ảnh 1.

Lễ hội Trò Trám (Linh tinh tình phộc) diễn ra 2 ngày 11 và 12 tháng giêng tại Miếu Trò xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ.

Sau phần hội là lễ mật, còn gọi là lễ “linh tinh tình phộc”. Đúng giờ Tý, cụ từ miếu Trò thắp hương và rước nõ, nường - hai vật tượng trưng cho hai giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ và sơn son đỏ) thờ trên ban Thượng miếu Trò xuống và trao cho một đôi nam nữ đã được chọn từ trước. Nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm nõ; nữ mặc yếm, váy ngắn thâm, đầu vấn khăn, cầm nường. 

Phú Thọ: Lễ hội linh tinh tình phộc thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương- Ảnh 2.

Lễ hội Trò Trám mang ý nghĩa 1 năm mùa màng bội thu.

Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, cụ từ xin âm dương rồi hô khẩu lệnh: Linh tinh tình phộc (ba lần). Lúc này, tất cả đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt. Sau mỗi câu khẩu lệnh: “Linh tinh tình phộc”, đôi nam nữ cầm “nõ, nường” làm các thao tác hoạt động tính giao. Mỗi lần hai vật âm dương chạm nhau, chiêng trống lại nổi lên, dân làng đứng xung quanh miếu lại reo hò vui vẻ.

Phú Thọ: Lễ hội linh tinh tình phộc thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương- Ảnh 3.

Sau lễ “Linh tinh tình phộc”, còn có trò “Rước lúa thần” được tổ chức vào sáng 12 tháng Giêng. Lúa thần là những bông lúa thật to, thật mẩy, lá lúa được tượng trưng bằng lá mía được đặt trên hương án kiệu, giữa cắm một gióng mía to, róc vỏ. Trò “Rước lúa”, ngoài mong muốn cầu cho mùa màng tươi tốt còn là sự ngợi ca, lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa nước.

Lễ hội Trò Trám là hoạt động văn hóa tinh thần của người Việt cổ. Đây là lễ hội dân gian truyền thống của tỉnh Phú Thọ, đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của Quốc gia năm 2017. 

Thu Hường
Ý kiến của bạn