Phú Thọ: Ngôi nhà chung ấm áp của những trẻ em thiệt thòi
Mặc dù không mang nặng đẻ đau sinh ra các con nhưng suốt mấy chục năm qua, 136 đứa trẻ ở Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật tỉnh Phú Thọ đã quen gọi những người phụ nữ ở đây là “mẹ”. Những người mẹ ấy bằng tình thương, sự tận tâm với con trẻ, họ đã dành tình cảm, thương yêu chăm sóc, nuôi dạy những đứa trẻ có số phận, hoàn cảnh không may mắn.
Hiện nay, Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật tỉnh Phú Thọ đang có 127 học sinh ở 11 nhóm lớp và 9 trẻ mồ côi, trẻ nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi. Các con đa số là những đứa trẻ đặc biệt, khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ… do đó, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, giáo viên nơi đây cũng khác biệt so với môi trường giáo dục bình thường.
Cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: "Đây là môi trường giáo dục hết sức đặc biệt, nếu không phải là người có tâm, thật sự yêu thương trẻ em thì không thể duy trì công việc suốt bao năm qua. Có những đứa trẻ bình thường rất ngoan ngoãn, nhưng khi chúng bị kích động, có thể đánh cả thầy cô, đánh bạn, không kiểm soát được hành vi của mình. Mỗi đứa trẻ ở đây có 1 hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng rất yêu thương và biết chia sẻ với nhau, từ những điều nhỏ nhất, như không thấy bạn lên lớp sẽ đi tìm ngay lập tức".
Cũng theo cô giáo Nghĩa, để các con có được như ngày hôm nay không thể không nói tới công lao to lớn của những người "mẹ" tại Trung tâm, có những cô giáo đã gắn bó gần hết cuộc đời với các con. Có con được đón vào Trung tâm khi mới chỉ hơn 1 tháng tuổi, nay cũng đã khôn lớn và được nhận nuôi. Vất vả nhất là thời điểm trước đây, khi còn ở dãy nhà cũ, cứ mưa xuống là phòng học cũng như kí túc xá của các con bị ngập hết".
"Niềm vui, hạnh phúc nhất của các thầy cô Trung tâm là được nhìn các con khôn lớn từng ngày, biết yêu thương, chia sẻ, bảo vệ lẫn nhau. Cho dù sau này, các em ra ngoài xã hội cũng sẽ thích ứng và phát huy tốt những gì được học, được bồi dưỡng khi còn ở Trung tâm", cô Nghĩa xúc động nói.
Đặc biệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học tại Trung tâm phần lớn nhờ vào các nguồn tài trợ nên còn thiếu thốn và không đồng bộ. Đối tượng nuôi dưỡng và giáo dục là những trẻ em khuyết tật, độ tuổi của học sinh không đồng đều, dạng tật, mức độ khác nhau cũng khiến việc tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên những rào cản đó, Trung tâm đã cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch năm học; chú trọng huy động, kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền nên cơ sở vật chất của Trung tâm ngày càng được cải thiện hơn. Dự kiến thời gian tới, thành phố Việt Trì sẽ đầu tư xây dựng dãy nhà ba tầng đảm bảo việc học tập và sinh hoạt của trẻ. Trong năm học vừa qua, lãnh đạo Trung tâm đã kết nối với Ngân hàng Vietinbank và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để vận động tài trợ cải tạo sửa chữa dãy nhà 3 tầng sạch sẽ, khang trang, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ăn, ở nội trú, học tập và học nghề của học sinh khuyết tật.
Trong năm học vừa qua, hoạt động của Trung tâm được duy trì nền nếp và được một số kết quả đáng khích lệ, 75% học sinh hoàn thành chương trình lớp học. Kết quả bồi dưỡng học sinh năng khiếu có nhiều khởi sắc, trong đó có 52,5% học sinh được khen thưởng cấp trường; 4% học sinh được khen thưởng cấp thành phố…
Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật tỉnh Phú Thọ vinh dự được UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm học 2021 - 2022, Chi bộ được tặng Giấy khen và danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Đây là bước chuyển mình cho một giai đoạn mới, khích lệ tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Trung tâm ngày một phát triển, thực sự là ngôi nhà chung ấm áp của những trẻ em thiệt thòi.
Thu HườngSố liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.