Phục hồi ngành thủy sản sau bão bằng nuôi trồng "siêu thực phẩm"

Tài chính - Đầu tư
08:45 AM 23/09/2024

Sau bão số 3, để khôi phục sản xuất, nông dân có thể chuyển ngay sang trồng rong biển - mặt hàng siêu thực phẩm, vì không cần bỏ ra quá nhiều chi phí và thời gian như nuôi thuỷ sản.

Chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản là hai lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành nông nghiệp. Song, cơn bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại nặng cho hai ngành hàng này. 

Phục hồi ngành thủy sản sau bão bằng nuôi trồng "siêu thực phẩm"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: KTNT

Theo báo cáo của các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 23.595 ha; số lồng bè bị hư hại, cuốn trôi khoảng 4.592 ô lồng. Ước thiệt hại ban đầu về nuôi trồng thủy sản lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.

Dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục vụ công tác phục hồi sản xuất sau mưa bão sẽ tăng cao.

Tại hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3, sáng 21/9, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, chia sẻ nhất quyết không thể nuôi biển theo kiểu cũ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu nuôi kiểu mới thì cần sự hỗ trợ theo kiểu đó.

Ông Dũng nêu vấn đề, địa phương cần giao vùng biển nuôi nhanh chóng cho người dân; cùng với đó quy chuẩn cho các cơ sở nuôi. Người dân khi nuôi biển phải đầu tư, thực hiện theo để giảm thiệt hại khi có thiên tai. Vì không chỉ có cơn bão vừa qua mà tương lai sẽ còn nhiều cơn bão khác. Đây là cơ hội cho cấu trúc lại nghề nuôi biển.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group chia sẻ, nếu bà con được tái sản xuất vào vùng biển được cấp thì sẽ yên tâm để đầu tư mới; chỉ số “hạnh phúc - niềm tin” của bà con sau cơn bão sẽ cao hơn.

Bà Bình cũng chia sẻ, cơn bão số 3 vừa qua khiến doanh nghiệp lớn như của bà cũng bị mất cả lồng nuôi. Bên cạnh sự đầu tư về công nghệ lồng nuôi thì cần tích hợp công nghệ để tìm kiếm lại được lồng khi có thiên tai, do đó rất cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ định vị lồng nuôi.

Còn theo ông Đỗ Linh Phương - Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP, người nông dân nuôi biển, đặc biệt nuôi trồng thuỷ sản, có thể khôi phục sản xuất bằng cách chuyển qua trồng rong biển ngay.

Bởi, nhìn vào thực tế hiện nay cho thấy, nhiều hộ nông dân bị thiệt hại nặng nề, gần như không còn vốn để tái sản xuất. Trong khi, trồng rong biển là hướng đi có thể cân nhắc đến vì tiết kiệm chi phí, không phải cho ăn như nuôi các loài thủy sản khác.

Công ty sẵn sàng hỗ trợ 1 triệu cây rong giống để giúp bà con ở vùng nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại tái sản xuất nhanh nhất. 

Rong biển được ví là siêu thực phẩm. Đây là đối tượng nuôi sẽ không tốn nhiều tiền đầu tư như lĩnh vực nuôi trồng khác mà thu hồi vốn nhanh, khoảng 6 tháng là có sản phẩm thu hoạch. Ngoài ra, chúng có thể làm nguyên liệu để sản xuất trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm… Thậm chí, từ rong biển các doanh nghiệp đã sản xuất ra cốc nhựa sinh học.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, với sự vào cuộc của Bộ NN-PTNT và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, HTX, bà con, ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi và thủy sản nói riêng sẽ sớm khôi phục được hoạt động sản xuất.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn