Phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 của Hà Nội, Bộ Y tế đảm bảo đủ sinh phẩm

Sự kiện
11:11 AM 08/08/2020

Thành phố Hà Nội nhấn mạnh 8 giải pháp, 5 nghiệm vụ cấp bách trong phòng chống dịch. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ Y tế đảm bảo đủ sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 của Hà Nội.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác chống dịch trên địa bàn vào sáng ngày 8/8.

Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng khẳng định: Bộ Y tế đảm bảo đủ sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 của Hà Nội. Đồng thời Quyền Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế ban hành quyết định tạm thời về trộn mẫu xét nghiệm, và rút nhóm chuyên gia về xét nghiệm của Bộ Y tế từ Đà Nẵng về hỗ trợ Hà Nội, đồng thời Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện/ viện /trường trực thuộc Bộ nâng cao tối đa công suất xét nghiệm cho Hà Nội. Tuy nhiên, quan trọng là Hà Nội phải đảm bảo lấy mẫu đủ để các đơn vị có thể xét nghiệm nhanh nhất.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp

Trước đó, trong cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy với Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống COVID-19 của Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh 8 giải pháp, 5 nghiệm vụ cấp bách đối với TP. Hà Nội trong phòng chống dịch.

Cụ thể, Thường trực Thành ủy yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch từ trước đến nay cả về con người, cơ chế, phương thức phối hợp giữa các lực lượng theo mức độ diễn biến dịch bệnh xảy ra, cao hơn 1 mức so với kịch bản phê duyệt từ đầu. Giao BCĐ phòng, chống dịch bệnh Thành phố nghiên cứu để nâng mức độ phòng chống đối với một số khu vực có ổ dịch, có nguy cơ cao hơn mức chung của toàn Thành phố; một số hoạt động phải thực hiện như quy định của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Từ Thành phố đến địa bàn cơ sở rà soát các điều kiện để bảo đảm yêu cầu 4 tại chỗ, rà soát lại để xem khả năng đáp ứng yêu cầu, khả năng cung ứng cho dịch bệnh, mua sắm công khai minh bạch theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Sở Công Thương rà soát toàn bộ khả năng cung ứng vật tư hàng hóa, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác, không để trường hợp thiếu hụt xảy ra.

Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa công tác truy vết, phát huy vai trò then chốt quan trọng của cán bộ thôn, tổ dân phố, công an xã... ngoài truy vết trường hợp F1, các trường hợp có triệu chứng, trường hợp đi về từ vùng dịch phải lưu ý vấn đề rà soát để kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh.

Về vấn đề xét nghiệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu tập trung ưu tiên xét nghiệm chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR, huy động bệnh viện tư nhân theo hướng dẫn của Bộ y tế, ưu tiên xét nghiệm các trường hợp F1, người có triệu chứng ho, sốt.

Từng quận, huyện có thôn, tổ dân phố có nguy cơ thì khoanh vùng, cách ly, giãn cách theo quy định cụ thể. Bên cạnh đó, cần tính toán trường hợp cho phương án xấu nhất, rà soát các cơ sở y tế của Thành phố có khả năng chữa trị, xem xét lại phương án bệnh viện dã chiến tại Mê Linh để sẵn sàng cho tình huống này.

Phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 của Hà Nội, Bộ Y tế đảm bảo đủ sinh phẩm - Ảnh 2.

Tổng số ca mắc: 789 ca

- Tính đến 6h ngày 08/8: Việt Nam, có tổng cộng 789 ca mắc COVID-19, trong đó 316 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 333 ca.

- Tính từ 18h ngày 07/8 đến 6h ngày 08/8: 5 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 166.521, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 6.929

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.446

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 135.146

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 19 ca.

- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 14 ca.

- Số ca tử vong: 10 ca.

- Số ca điều trị khỏi: 395 ca


Tâm Tâm
Ý kiến của bạn