Phương án “điện một giá”: Chưa được đồng thuận!

Tiêu dùng và Tiếp thị
03:43 PM 13/08/2020

Bộ Công thương cho biết, phương án đề xuất “điện một giá” bằng giá điện bình quân không nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành do làm tăng tiền điện cho nhiều hộ cũng như tăng chi ngân sách.

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy kiến.

Phương án “điện một giá”: Chưa được đồng thuận! - Ảnh 1.

Phương án một giá, bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ của phần đông của các Bộ ngành đã lấy ý kiến.

Ngay sau khi được đưa ra, dự thảo nhận sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận, đặc biệt là phương án "điện một giá". Với đề xuất mới, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng.

Theo Bộ Công thương, phương án một giá, bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ của phần đông của các Bộ, ngành đã lấy ý kiến, bởi lẽ, tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng.

Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỷ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỷ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng/năm) do mức giá điện một giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.

Do đó, Bộ Công thương đã xây dựng phương án 2A và 2B để lấy ý kiến. Trong đó, biểu giá ở 4 bậc thang đầu tiên của phương án 2A và phương án 2B giống như phương án 1. Biểu giá điện 1 giá ở phương án 2A và 2B lần lượt được đề xuất ở mức 145% và 155% giá bình quân, tương ứng với mỗi phương án thì giá điện tại bậc thang thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi.

Chi phí tiền điện của khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt.

Chi phí tiền điện của khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt.

Các khách hàng sử dụng điện trung bình hàng tháng dưới 700 kWh trong các phương án 1, phương án 2A và 2B có chi phí trả tiền điện bằng nhau do giá 4 bậc thang đầu của các phương án này giống nhau. Ước tính, có khoảng 98% khách hàng thuộc diện này.

Nếu phương án 2A và 2B được áp dụng, khi khách hàng lựa chọn biểu giá theo phương án 1 giá sẽ hạn chế những nhược điểm của giá điện bậc thang, đặc biệt là những khách hàng sử dụng điện ở mức cao như việc tiền điện tăng bất thường vào các tháng nắng nóng, sai lệch về thời điểm ghi chỉ số công tơ hàng tháng.

Phương án “điện một giá”: Chưa được đồng thuận! - Ảnh 3.

Nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân (phương án 2A) thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang. Tương tự nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (phương án 2B) thì các khách hàng sử dụng điện trên 1.100 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.

Đánh giá về tất cả các phương án đề xuất trong dự thảo, Bộ Công thương cho hay, đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng mỗi tháng).

Phương án “điện một giá”: Chưa được đồng thuận! - Ảnh 4.

Cụ thể, khách hàng sử dụng 100 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng; Khách hàng sử dụng 200 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng; Khách hàng sử dụng 400 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 12.800 đồng; Khách hàng sử dụng 500 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 7.200 đồng; Khách hàng sử dụng 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 1.600 đồng

Riêng các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh chi phí tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới. Số tiền phải trả tăng thêm khi sử dụng ở mức 300 kWh là 7.100 đồng.

Theo dự thảo này, các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn được hỗ trợ về tiền điện. Có khoảng 1,8 triệu hộ thuộc diện này với tổng mức hỗ trợ khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Phương án “điện một giá”: Chưa được đồng thuận! - Ảnh 5.

Các Phương án nêu trên đã khắc phục được một phần biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành. Các phương án đưa ra lấy ý kiến đều có những ưu và nhược điểm. Bộ Công thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử dụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Dự thảo đang được Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, dự kiến áp dụng từ năm 2021.

Có ý kiến cho rằng, nếu đã là một giá điện thì phải gần với giá bán điện bình quân vì thực chất đây đã là mức giá đã gồm chi phí, lợi nhuận cho ngành điện. Với giá bán lẻ là 1.864,44 đồng một kWh, người dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%. Mức giá trên đều cao hơn giá bán lẻ bình quân. Nó đã phá vỡ nguyên tắc cải tiến nhưng không được làm tăng giá bình quân. Điều này phải được minh bạch.

Việc cải tiến biểu giá điện phải theo nguyên tắc không làm tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân, tức là không làm tăng doanh thu ngành điện (nếu sản lượng điện không tăng và không có sự chuyển dịch trong tiêu dùng điện giữa các bậc so với trước).

Do đây không phải là lần điều chỉnh giá điện chỉnh giá điện nên các phương án đưa ra phải đảm bảo mức giá bán lẻ điện bình quân cho tất cả các nhóm khách hàng phải giữ nguyên mức giá 1.864,44 đồng/kWh đã được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.

Trang Thu
Ý kiến của bạn