Phương thức "mua trước, trả sau" đạt mức tăng trưởng kép tại Việt Nam

Kinh doanh
09:29 AM 13/12/2023

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Research & Market, phương thức thanh toán "Mua trước, trả sau" tại Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng kép hằng năm khoảng 31,1% trong giai đoạn 2023-2028.

Phương thức "mua trước - trả sau" cho phép người tiêu dùng mua hàng ngay lập tức, dù là online hay offline và có thể thanh toán dần dần chi phí cho món hàng đó. Khác với việc thanh toán qua thẻ tín dụng, khách hàng thanh toán định kỳ vào cuối mỗi tháng, mô hình mua trước trả sau cho phép thanh toán theo kỳ hạn ngắn hơn. Nói một cách ngắn gọn, mua trước trả sau cũng giống như thanh toán bằng thẻ tín dụng lãi suất 0%, nhưng với các kỳ thanh toán ngắn hơn và chỉ phát sinh lãi suất nếu thanh toán chậm.

Phương thức "mua trước, trả sau" đạt mức tăng trưởng kép tại Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Người Lao Động

Mua trước trả sau tuy còn khá mới mẻ nhưng đã nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng vì những điểm cộng cho phép người mua hàng mua sản phẩm ngay lập tức dù chưa có khả năng tài chính để trả toàn bộ chi phí; khoản thanh toán được chia thành kỳ hạn ngắn hơn, tương ứng với số tiền phải trả nhỏ hơn, giảm áp lực tài chính cho người tiêu dùng; không phát sinh lãi suất nếu thanh toán đúng hạn; đăng ký đơn giản và nhanh chóng (trung bình khoảng dưới 5 phút, nhanh hơn rất nhiều so với đăng ký thẻ tín dụng).

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam là dân số trẻ, am hiểu công nghệ, ưa thích các phương thức thanh toán linh hoạt và thuận tiện.

Bên cạnh đó, dịch vụ mua trước trả sau bùng nổ nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến và thương mại điện tử của người tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm mua trước, trả sau. Trong nửa đầu năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, nhưng thương mại điện tử vẫn tiếp tục là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh.

Tại Việt Nam, hình thức này đang được một số đơn vị áp dụng như Traveloka - nền tảng du lịch phổ biến tại Đông Nam Á, các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki...

Để thực hiện kế hoạch tăng trưởng du lịch số, ứng dụng Traveloka vừa hợp tác đưa ra sản phẩm "mua trước, trả sau", nền tảng này đánh giá đây một ví dụ điển hình cho những nỗ lực để theo kịp xu hướng phát triển phát triển du lịch số bởi thông qua dịch vụ này, những người đam mê du lịch có thể tìm kiếm địa điểm du lịch, tìm kiếm vé máy bay, khách sạn… với hình thức "mua trước, trả sau" để tối ưu hiệu quả và chi phí du lịch.

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Research & Market, phương thức thanh toán "mua trước, trả sau" tại Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng kép hằng năm khoảng 31,1% trong giai đoạn 2023-2028. Trong đó, tổng giá trị hàng hóa "mua trước - trả sau" trong nước sẽ tăng từ 1,5 tỉ USD vào năm 2022 lên 9,1 tỉ USD vào năm 2028. Với tiềm năng lớn này, những doanh nghiệp tiên phong sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, thị phần của mình.

Theo nghiên cứu của Bain, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế Internet lớn thứ 2 tại Đông Nam Á vào năm 2025 với tổng giá trị giao dịch có thể đạt mốc 57 tỷ USD. Con số này chỉ xếp sau tổng giá trị giao dịch của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á là Indonesia với 146 tỷ USD.


Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.