PMI tháng 5 của Việt Nam duy trì tháng thứ hai trên 50 điểm
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam không thay đổi khi đạt 50,3 điểm trong tháng 5, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành đã cải thiện nhẹ tháng thứ hai liên tiếp.
Sáng 3/6, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 5/2024. Trong đó có 3 điểm nhấn nổi bật: sản lượng ngành sản xuất tăng tháng thứ hai liên tiếp; việc làm tiếp tục giảm; chi phí đầu vào tăng ở mức cao của gần hai năm.
Báo cáo cho biết, đà tăng trưởng của ngành sản xuất Việt Nam đã chậm lại trong tháng 5. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khiến sản lượng tăng nhanh hơn. Các công ty cũng tăng hoạt động mua hàng, nhưng việc làm giảm tháng thứ hai liên tiếp với các trường hợp thôi việc và vắng mặt kéo dài của nhân viên.
Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào tăng nhanh hơn đáng kể trong tháng. Trước tình hình đó, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng của họ lần đầu tiên kể từ tháng 2.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 khi tình trạng nhu cầu mạnh lên đã giúp các công ty thu hút được khách hàng mới và các đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm hơn so với tháng 4.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng, mặc dù mức độ tăng đã thấp hơn so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất nâng cao sản lượng tháng thứ hai liên tiếp.
Mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng nhưng việc làm lại giảm tháng thứ hai liên tiếp vào thời điểm giữa quý 2. Nguyên nhân là do tình trạng thôi việc và vắng mặt kéo dài của nhân viên, mức giảm việc làm lần này khá lớn và đáng kể nhất trong gần một năm qua.
Mặc dù số lượng nhân viên giảm, các công ty đã có thể giải quyết lượng công việc cần thực hiện trong tháng 5 và đã khiến lượng công việc tồn đọng giảm sau khi tăng nhẹ trong kỳ khảo sát trước.
Trong khi việc làm tiếp tục giảm, hoạt động mua hàng lại tăng trong tháng 5. Đây là lần tăng thứ hai trong hai tháng và tăng mạnh hơn tháng 4.
Những công ty mua hàng hóa đầu vào trong tháng phải đối mặt với tình trạng tăng giá mạnh. Trên thực tế, tốc độ tăng giá đã nhanh hơn đáng kể và là nhanh nhất kể từ tháng 6/2022. Tình trạng đồng tiền yếu đã góp phần làm tăng giá nguyên vật liệu, trong khi một số báo cáo cho biết giá dầu và nhiên liệu tăng.
Chi phí đầu vào tăng mạnh đã khiến giá bán hàng tăng, và đây là lần tăng đầu tiên trong ba tháng. Tốc độ tăng giá lần này là một trong hai tốc độ nhanh nhất trong 15 tháng, ngang với mức được ghi nhận trong tháng 10/2023.
Các kế hoạch mở rộng nhà máy, việc đưa ra các sản phẩm mới và triển vọng tiếp tục tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã hỗ trợ cho niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới. Tâm lý kinh doanh hầu như không thay đổi so với tháng 4, dù vậy vẫn thấp hơn mức trung bình của chỉ số chung, cho thấy mức độ lạc quan còn tương đối thấp.
Đánh giá về ngành sản xuất của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay: Dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam không đồng đều.
Cụ thể, ở khía cạnh tích cực, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khi có các dấu hiệu cho thấy nhu cầu duy trì tăng, từ đó khiến sản lượng tăng mạnh hơn trong tháng 5.
Ở khía cạnh khác, có những lo ngại về số lượng việc làm và áp lực lạm phát. Việc làm tiếp tục giảm mạnh, từ đó có thể khiến năng lực sản xuất của các công ty bị hạn chế. Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí là nhanh nhất trong thời gian gần hai năm, từ đó khiến giá cả đầu ra tăng. Điều này có thể có tác động hạn chế nhu cầu trong những tháng tới.
Nhìn chung, ông Andrew Harker nhận định, các công ty lạc quan về tương lai khi thành công trong việc thu hút số lượng đơn đặt hàng mới và hy vọng có thể khắc phục những tác động ngược chiều đang ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của hoạt động kinh doanh.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.