PVT sẽ hoạt động ra sao khi không có Ban kiểm soát?
Lựa chọn mô hình quản trị không có Ban kiểm soát, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) sẽ hoạt động ra sao sau Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2020?
Diễn biến giá cổ phiếu của PVT trong thời gian qua
Theo tài liệu ĐHĐCĐ, PVT đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2020 khá thận trọng với tổng doanh thu 6.200 tỷ đồng, giảm 23% và lợi nhuận sau thuế là 433 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm 2019.
Theo nhận định của Ban lãnh đạo PVT, nhu cầu sử dụng nguyên liệu sụt giảm do dịch bệnh lan rộng, nguồn cung dầu thô ra thị trường tăng mạnh do việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga vào ngày 6/3/2020 không thành công dẫn đến giá dầu lao dốc 50% so với các tháng đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và nguồn cung dồi dào, nhiều nhà đầu tư tranh thủ mua tích trữ đã khiến nhu cầu thuê tầu chở dầu thô làm kho chứa và vận chuyển tăng mạnh, kéo theo giá cước spot đối với tất cả các phân khúc tàu thô tăng.
Năm 2020, PVT sẽ tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô và sản phẩm dầu trên thị trường trong và ngoài nước, tăng cường làm việc với PetroVietnam để giành được quyền tham gia vận chuyển dài hạn dầu thô đầu vào và sản phẩm đầu ra cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và mở rộng hoạt động vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện.
Ngoài ra, PVT sẽ đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ có liên quan như cung cấp vật tư thiết bị, đại lý hàng hải, cung cấp toàn bộ dịch vụ đại lý hàng hải cho đội tàu của PVT hoạt động trong nước.
Để có nguồn vốn tiếp tục đầu tư, PVT dự kiến trình ĐHCĐ phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15%, tương ứng khoảng hơn 42,2 triệu cổ phiếu, thời gian thực hiện trong năm 2020. Vốn điều lệ của PVT sau khi phát hành dự kiến tăng lên gần 3.237 tỷ đồng.
Một nội dung đáng chú ý là tại ĐHCĐ năm 2020, HĐQT PVT cũng sẽ trình cổ đông phương án thay đổi mô hình hoạt động mới- mô hình quản trị không có Ban kiểm soát. Theo đó, PVT sẽ chuyển Bộ phận Kiểm toán nội bộ hiện hành thành Tiểu ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT.
HĐQT PVT sẽ trình ĐHCĐ phương án thay đổi mô hình hoạt động mới- mô hình quản trị không có Ban kiểm soát.
Giải thích về lý do chọn mô hình quản trị không có Ban kiểm soát, lãnh đạo PVT cho rằng, do hiện tại doanh nghiệp đang hoạt động vừa có Ban kiểm soát và vừa có Kiểm toán nội bộ đã làm lãng phí tài chính, nhân lực, đồng thời xảy ra nhiều bất cập trong quản trị doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc lựa chọn mô hình quản trị không có Ban kiểm soát sẽ góp phần cắt giảm bớt chi phí, tối đa hóa nguồn lực có sẵn, tinh giảm bộ máy quản lý của PVT, nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với định hướng phát triển của PVT.
Không chỉ PVT, mà nhiều doanh nghiệp khác, như NS3, VCS... cũng đã bỏ Ban kiểm soát, thay bằng Tiểu ban kiểm toán nằm trong Hội đồng quản trị.
Trên thực tế, khi áp dụng mô hình Tiểu ban kiểm toán, các công ty cũng gặp phải không ít khó khăn trong việc chuyển đổi và thực hiện do thiếu các văn bản tài liệu hướng dẫn cũng như thiếu các kinh nghiệm thực tiễn triển khai.
Kết quả kinh doanh năm năm 2019 của PVT không có nhiều tăng trưởng so với năm 2018. Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm 2019 đạt 8.047 tỷ đồng, tăng 6,95% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 821 tỷ đồng, chỉ tăng 5% so với năm 2018.
Báo cáo tài chính quý I/2020 cũng ghi nhận doanh thu thuần của PVT giảm xuống mức 1.578 tỷ đồng, tương đương giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh gần 50% xuống mức 89,3 tỷ đồng, bất chấp việc PVT đã chú trọng thực hiện tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng hiệu quả của các loại hình sản xuất kinh doanh.
ĐÌNH ĐẠINgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".