QLTT An Giang: Giữ an toàn thị trường vùng biên giới

Địa phương
01:47 PM 26/12/2022

An Giang có chiều dài biên giới giáp Campuchia gần 100km, 11 đơn vị hành chính thì đến 5 địa phương giáp biên giới. Sau đại dịch COVID-19, Chính phủ mở cửa lại biên giới khiến khu vực biên cảnh vốn trầm lắng bỗng ồn ào náo nhiệt. Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường (QLTT) An Giang Huỳnh Ngọc Hồ đã có những chia sẻ về công tác quản lý thị trường khu vực đặc biệt này.

Phóng viên: Thị trường An Giang sau khi đại dịch COVID-19 có vẻ phức tạp trở lại, nhất là tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại vùng biên. Cụ thể tình hình kiểm soát thị trường như thế nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó Cục trưởng phụ trách QLTT An Giang.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó Cục trưởng phụ trách QLTT An Giang.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ: Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn được kiểm soát và chuyển sang giai đoạn bình thường mới nên tình hình sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn được phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đã tác động đến việc tăng giá của nhiều loại hàng hóa khác, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Chỉ riêng mặt hàng xăng dầu do chịu nhiều yếu tố tác động dẫn đến tình hình phức tạp tại một số thời điểm. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Tổng Cục QLTT, tình hình xăng dầu trên địa bàn đã sớm ổn định và hiện đã được kiểm soát.

Trên tuyến biên giới, các lực lượng chức năng vẫn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện và hàng hóa qua biên giới nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh, các ngành chức năng đã phối hợp thực hiện tốt Kế hoạch liên ngành (Công an - Bộ đội biên phòng - Hải quan - Quản lý thị trường - Trung đoàn CSCĐ Tây Nam bộ) trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Đến nay, các đầu nậu buôn lậu, hàng giả trên địa bàn liên tiếp bị lực lượng chức năng triệt xóa đã tác động mạnh đến hoạt động, quy mô và cả phương thức hoạt động buôn lậu trên địa bàn. Nhìn chung, tình hình vận chuyển, đai vác hàng hóa nhập lậu đã giảm đi rất đáng kể, trong đó các kho hàng, điểm nóng, nổi cộm về buôn lậu hầu như không còn hoạt động. Tuy nhiên, do biên giới dài, bằng phẳng và nhiều kênh rạch, đường mòn qua lại… cùng với nhu cầu tiêu thụ cao nên vẫn còn một vài trường hợp lén lút vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới, nhưng phần lớn các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Phóng viên: Để đảm bảo lưu thông hàng hóa lành mạnh trên thị trường nội địa, lực lượng QLTT luôn giữ vai trò chủ đạo. Vậy, trong một năm qua, diễn biến thị trường tỉnh An Giang có gì nổi bật? Lực lượng QLTT đã làm những gì, thưa ông?

QLTT An Giang thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

QLTT An Giang thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ: Với chức trách của ngành, Cục QLTT tỉnh chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo kế hoạch thống nhất với cấp trên và địa phương. 

Hiện nay, các hành vi vi phạm trên thị trường An Giang chủ yếu: Không niêm yết giá hàng hóa theo quy định (89 vụ, phạt 105 triệu đồng), bán hàng hóa quá hạn sử dụng (5 vụ, phạt 670 triệu đồng, chủ yếu là mặt hàng thuốc BVTV), kinh doanh hàng hóa nhập lậu, bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả chất lượng, chất lượng hàng hóa không đạt quy chuẩn... Các đối tượng vi phạm thường là những hộ kinh doanh cá thể, hàng hóa vi phạm số lượng ít, mang tính chất nhỏ lẻ, nhận thức về pháp luật còn hạn chế.

Trong năm 2022, qua kiểm tra đột xuất và kiểm tra theo kế hoạch, Cục Quản lý thị trường An Giang phát hiện và xử lý nhiều vụ việc phân bón không đạt chất lượng, phân bón giả giá trị sử dụng... chủ yếu đối với các hành vi vi vận chuyển, buôn bán. Có 1 vụ lực lượng QLTT đã chuyển cơ quan CSĐT để truy tố.

Riêng lĩnh vực xăng dầu, thời điểm khủng hoảng nguồn cung vừa qua, địa bàn tỉnh An Giang hầu như không biến động lớn. Lực lượng QLTT đã lập đoàn kiểm tra theo chuyên đề 7 vụ đều không có vi phạm. Chỉ khi kiểm tra đột xuất 3 vụ phát hiện và xử lý 2 vụ vi phạm nhưng với hành vi ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, sử dụng quản lý người trực tiếp bán hàng không có giấy chứng nhận huấn luyện PCCC, BVMT.

Phóng viên: Thị trường luôn biến động, kéo theo các thủ đoạn gian lận thương mại cũng tinh vi phức tạp hơn. Điều đó có gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc phòng chống hành vi vi phạm kinh tế thị trường của lực lượng QLTT? Với vai trò đầu ngành QLTT địa phương, ông có suy nghĩ gì?

Ông Huỳnh Ngọc Hồ: Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các hình thức quảng cáo, mua bán sản phẩm thông qua các kênh như Facebook, Zalo, Website, sàn giao dịch điện tử... rất phổ biến, vừa tiết kiệm chi phí vừa đưa nhanh sản phẩm ra thị trường. Các đối tượng đã lợi dụng hình thức này để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên số vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực này vẫn còn hạn chế chưa tương xứng với tình hình hoạt động kinh doanh thực tế trong lĩnh vực này. 

Năm 2022, các đơn vị trực thuộc Cục QLTT đã kiểm tra 1.325 vụ, phát hiện 543 vụ vi phạm.

Năm 2022, các đơn vị trực thuộc Cục QLTT đã kiểm tra 1.325 vụ, phát hiện 543 vụ vi phạm.

Nguyên nhân hạn chế là do kinh nghiệm, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, chưa được tập huấn chuyên sâu về các kỹ năng đấu tranh. Vì vậy, vấn đề bổ sung kiến thức về CNTT cho lực lượng QLTT luôn là bức xúc của chúng tôi.

Ngoài ra, công tác tiêu huỷ hàng hoá không đảm bảo VSATTP như: Không có nơi tiêu hủy, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác tiêu hủy hàng hóa. Vì vậy việc tiêu huỷ gặp rất nhiều khó khăn, dễ gây hại sức khoẻ, ô nhiễm về môi sinh. 

Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng phân bón chưa có căn cứ xác định vi phạm nên không thể tạm giữ hàng hóa; chờ đến khi khi có kết quả kiểm nghiệm và ý kiến chuyên môn của ngành nông nghiệp trả lời thì số tang vật ban đầu khó còn nguyên vẹn, thậm chí đã tiêu thụ hết.

Hiện nay, Cục QLTT An Giang chưa bổ nhiệm chức danh Cục trưởng, khuyết 1 chức danh Phó Cục trưởng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của đơn vị. Ngoài ra, quy định về sử dụng cờ hiệu QLTT dừng phương tiện giao thông chở hàng lậu tại thị xã, huyện biên giới đã hết hiệu lực, đến nay vẫn chưa có văn bản thay thế nên công tác chống buôn lậu khi khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính gặp không ít khó khăn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Ân - Văn Dương
Ý kiến của bạn
WB: Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương WB: Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương

Với triển vọng kinh tế Việt Nam tốt hơn vào những tháng cuối năm, Ngân hàng Quốc tế (World Bank - WB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024. WB nhấn mạnh: “Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương”.