"Quái vật đói khát" của Trung Quốc xuất hiện trên "nóc nhà thế giới": Nhắm đến 3 mục tiêu lớn
Trung Quốc đang đặt ra những mục tiêu gì với công trình đặt tại "nóc nhà thế giới" Tây Tạng?
SCMP thông tin, Trung Quốc vừa chính thức đưa vào vận hành trung tâm AI Yajiang-1 đặt tại cao nguyên Tây Tạng – khu vực được mệnh danh là "nóc nhà thế giới" - ở độ cao 3.600 mét.
Trong giai đoạn đầu, Yajiang-1 sẽ sử dụng hơn 256 máy chủ điện toán hiệu năng cao, đạt tổng công suất xử lý lên tới 2.000 petaflop – đủ khả năng thực hiện hàng triệu phép tính chỉ trong vài giây.
Hệ thống máy chủ của trung tâm siêu điện toán Yajiang-1 của Trung Quốc. Ảnh: Handout/SCMP
Yajiang-1 là trung tâm điện toán quy mô lớn đầu tiên thuộc khuôn khổ dự án "Dữ liệu miền Đông, Điện toán miền Tây", được Bắc Kinh thiết lập trên cao nguyên Tây Tạng với 3 mục tiêu tạo ra nền kinh tế kỹ thuật số tầm cao, giảm đau môi trường đồng thời tiến đến tự cường công nghệ.
Trung tâm chủ yếu phục vụ nhu cầu huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI), với khả năng đảm nhiệm tới 4 triệu giờ tính toán AI mỗi năm cho các đô thị lớn như Thượng Hải, Hàng Châu, Thâm Quyến...
Vì sao Trung Quốc đặt trung tâm AI trên cao nguyên Tây Tạng?
Chưa bàn đến những thách thức kỹ thuật trong việc xây dựng một trung tâm siêu điện toán tại địa điểm cao 3.600 mét, trung tâm AI Yajiang-1 thể hiện tham vọng "thuận theo tự nhiên" để phục vụ con người của Trung Quốc.
Dự án này tận dụng môi trường khắc nghiệt của khu vực để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện AI lớn tiết kiệm năng lượng hơn.
Ở độ cao này, Yajiang-1 có thể tận dụng khí hậu lạnh và ít oxy của Tây Tạng để tiết kiệm từ 30–50% chi phí làm mát – một yếu tố tốn kém bậc nhất trong vận hành trung tâm dữ liệu. Đồng thời, nơi đây giàu nguồn năng lượng tái tạo phong phú (thủy điện, mặt trời, gió), giúp tiết kiệm tới 320 triệu kWh điện và giảm hơn 280.000 tấn khí thải carbon mỗi năm.
Tây Tạng nổi tiếng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Ảnh: Tibettravel
Chưa kể, hệ thống thu hồi nhiệt tiên tiến của trung tâm có thể tái sử dụng nhiệt thải từ các máy chủ để sưởi ấm cho các tòa nhà lân cận, giúp giảm lượng tiêu thụ lên tới 12.000 tấn than mỗi năm – góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu phát thải carbon và bảo vệ môi trường.
Dễ dàng thấy, các trung tâm AI như Yajiang-1 là một trong những lời giải hữu hiệu cho bài toán năng lượng trên toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu phát triển các trung tâm dữ liệu - được Tạp chí Forbes của Mỹ ví như "quái vật đói khát" - đang bùng nổ trên toàn thế giới hiện nay.
Trung tâm dữ liệu toàn cầu "ngốn" 2.000 TWh điện năm 2030
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự đoán hồi tháng 4/2025 rằng các trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ sử dụng gấp đôi lượng điện vào năm 2030 — và điều đó được thúc đẩy bởi AI. IEA cho biết khoảng 1,5% lượng điện trên thế giới hiện đang được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu.
Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) cũng dự báo mức tiêu thụ điện của trung tâm dữ liệu sẽ bùng nổ trên toàn cầu, đạt từ 1.000 đến 2.000 TWh điện vào năm 2030.
Không chỉ giảm tiêu thụ điện, phát triển bền vững, Yajiang-1 cũng góp phần vào chiến lược "tự cường công nghệ" của Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ siết chặt xuất khẩu công nghệ AI và chip sang Trung Quốc, Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng điện toán hiệu năng cao (HPC), với mục tiêu nâng tổng năng lực quốc gia vượt 300 exaflop vào năm 2025 – tăng hơn 50% so với năm 2023.
Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng thêm nhiều trung tâm điện toán tương tự Yajiang-1, khai thác thế mạnh của vùng như khí hậu lạnh tự nhiên, nguồn năng lượng mặt trời phong phú và công nghệ thu hồi nhiệt thải nhằm giảm thiểu chi phí và phát thải carbon.
Trang Ly
Trong tháng 7, hàng loạt chính sách mới có hiệu lực như: 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương hai cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp "sổ đỏ"; 5 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...