Quản Bạ: Giảm nghèo nhờ dân vận khéo trong phát triển kinh tế
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác “Dân vận khéo” đã giúp người dân trên địa huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có những thay đổi về nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 6% - 8%.
Khơi nguồn lực, vươn lên thoát nghèo
Trở lại Quản Bạ sau nhiều năm, mảnh đất xứ núi nay đã có nhiều đổi khác. Những con đường bê tông rộng rãi dẫn vào các bản làng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà văn hóa thôn... được xây dựng khang trang. Đây là kết quả từ sự đồng thuận của nhân dân trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.
Trước đây người dân chỉ quen với độc canh cây lúa, hiệu quả kinh tế không cao. Đến nay, người dân đã biết dồn điền, đổi thửa, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong các xã, thôn không ngừng tăng qua các năm.
Thuộc diện hộ nghèo của địa phương, bà Ngọc Thị Tâm, thôn Nà Vìn xã Quản Bạ đã được hỗ trợ tiền mua lợn giống về phát triển kinh tế gia đình theo nguồn vốn của Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Có kinh nghiệm trong chăn nuôi, lại cần cù chịu khó bởi vậy những con lợn giống của gia đình chỉ sau mấy tháng nuôi đã bắt đầu sinh sản lứa đầu. Có thu nhập từ việc bán lợn, gia đình bà tái đầu tư, xây dựng chuồng trại kiên cố, đời sống gia đình được cải thiện.
Chia sẻ câu chuyện của gia đình bà Tâm với ông Hạng Dương Thành - Chủ tịch UBND huyện, được biết: Huyện Quản Bạ là một trong những địa phương được thụ hưởng đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Ngoài hộ bà Tâm, địa phương có rất nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS làm kinh tế giỏi, họ là những tấm gương năng động, dám nghĩ dám làm, có quy mô sản xuất lớn, tạo việc làm cho lao động tăng thu nhập và giúp đỡ các hộ nghèo.
Thời gian đầu, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, huyện đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận, trực tiếp xuống thôn, xã giải thích cho người dân hiểu, thay đổi tư duy và cách làm; đẩy mạnh phong trào "Dân vận khéo" thông qua việc xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế, từ đó tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Trong năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Quản Bạ được giao tổng kinh phí là 143.346 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư là 89.402 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 53.945 triệu đồng. Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, huyện đã kết hợp lồng ghép kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới…; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép khác trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo bền vững... Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ hệ thống các ngân hàng trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, huyện còn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Tính đến cuối tháng 5, số lao động đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại địa phương là 6.166 người, trong đó: Số lao động cũ là 5.206 người; số lao động được giải quyết việc làm mới từ đầu năm đến nay là 960 người, đạt 55,17% kế hoạch giao.
Sự tích cực chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương đã tạo sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của người dân, khi họ đã phá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tập trung phát triển sản xuất, tiến đến thoát nghèo.
Phát huy thế mạnh địa phương để xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả
Đến Quản Bạ hôm nay, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất của những cá nhân điển hình đã tạo ra sự lan tỏa, tạo cho người dân nhận thấy cơ hội làm ăn, khuyến khích làm giàu.
Được xem là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực chăn nuôi, huyện Quản Bạ đã tích cực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại phù hợp với thực tế từng địa phương. Phương châm được đặt ra là lựa chọn những mô hình đem lại hiệu quả cao, ổn định kinh tế cho người dân, qua đó góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Huyện chỉ đạo ngành chuyên môn và 13 xã, thị trấn chủ động trong công tác định hướng cho người dân phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thi đua sản xuất.
Các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật được tổ chức thường xuyên, nhằm cập nhật thông tin về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế đến các hộ chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã mạnh dạn vay vốn dưới sự ủy thác của ngân hàng chính sách để phát triển các mô hình, đem lại hiệu quả cao.
Tính đến nay, toàn huyện Quản Bạ đã có hơn 300 mô hình phát triển kinh tế tập trung vào chăn nuôi như bồ câu, bò, ong, thỏ tại các xã như: Cán Tỷ, Lùng Tám, Thanh Vân, Nghĩa Thuận... Những mô hình này đã đem lại nguồn thu nhập cho người chăn nuôi từ 50 - 250 triệu đồng/năm/mô hình. Các sinh kế này cũng góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống của người dân địa phương, góp phần giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Ngoài việc vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, Quản Bạ còn nỗ lực khai thác không gian đồi núi cao nguyên để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây ngắn ngày sang cây ăn quả, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện chú trọng nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có tiến triển tốt, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét. Đây là hướng đi cụ thể trên hành trình giảm nghèo của huyện Quản Bạ.
Việc triển khai hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thông qua tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…
Trên con đường phát triển giai đoạn mới, huyện Quản Bạ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,9%/năm trở lên; năm 2024, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 44,4%, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Để hoàn thành mục tiêu đó, đồng chí Hạng Dương Thành - Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ nhấn mạnh: Phát huy truyền thống yêu nước, Đảng bộ và nhân dân địa phương sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy tiềm năng thế mạnh, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng huyện nhà ngày càng đổi mới và phát triển hơn trong những năm tiếp theo. Các cấp, ngành sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; triển khai các mô hình kinh tế theo chuỗi liên kết sản xuất, giúp người dân huyện miền núi biên giới có thêm điều kiện để nỗ lực xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Trên tinh thần chủ động, sáng tạo, triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt là quyết tâm chính trị cao, tư duy tầm nhìn, bứt phá ngay từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo, tin tưởng rằng, Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững ở huyện Quản Bạ sẽ được người dân tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ và đạt được những thành tựu nhất định.
Trung KiênNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".