Quận Hà Đông: Chủ động và kịp thời phòng chống dịch Covid-19

Địa phương
07:35 PM 31/07/2021

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp với chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh, thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội, Quận ủy và UBND quận Hà Đông đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai các giải pháp chủ động và kịp thời phòng chống dịch Covid-19

Hà Nội: Quận Hà Đông chủ động và kịp thời phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Công an quận Hà Đông kiểm tra xử lý bảo đảm an toàn công tác phòng chống dịch

Theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và của Thành phố, quận Hà Đông đã chỉ đạo các phường thành lập Ban chỉ đạo và 250 Tổ Covid cộng đồng, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh và phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa với các kịch bản ứng phó với các cấp độ, tình huống xấu có thể xảy ra.

Quận ủy Hà Đông đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, còn UBND quận tiếp tục duy trì 4 đoàn kiểm tra. Quận chỉ đạo Ban Tuyên giáo Quận ủy, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; chỉ đạo Công an quận phối hợp với Công an thành phố, Sở Giao thông làm tốt việc kiểm soát các phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, quận cũng chỉ đạo UBND các phường và Công an quận thiết lập 83 chốt kiểm soát Covid. Mỗi phường thành lập 2 tổ công tác để tuyên truyền, kiểm tra các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng Chỉ thị 17/CT-UBND. Lãnh đạo quận thường xuyên cập nhật, nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện công tác phòng dịch.

Hà Nội: Quận Hà Đông chủ động và kịp thời phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Người dân phường Mỗ Lao đi chợ theo lịch phát phiếu

Đồng thời, quận Hà Đông thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, yêu cầu Ban chỉ đạo 389, Ban chỉ đạo 197, các phòng ban đơn vị, UBND các phường thường xuyên, đột xuất kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở khám chữa bệnh, các chợ, trung tâm thương mại, khu vực công cộng, chợ cóc, chợ tạm… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Qua kiểm tra, hầu hết các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, đặc biệt là Chỉ thị 17. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, như không thực hiện tạm dừng kinh doanh, không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do chính đáng… Các lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.

Đáng kể, UBND quận Hà Đông đã ban hành Quyết định số 3576/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp. Qua kiểm tra, cơ bản các doanh nghiệp đã triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể như, thực hiện tốt thông điệp 5K, giảm số lượng người tham gia sản xuất xuống ½; các doanh nghiệp chưa xây dựng phương án "3 tại chỗ" hoặc thực hiện không bảo đảm "3 tại chỗ" đã bị tạm dừng sản xuất.

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho biết: Quận có 17 phường, 250 tổ dân phố với dân số khoảng 420.000 người. Trên địa bàn quận có 16 chợ, 3 trung tâm thương mai, 13 siêu thị, có trên 80 cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi kinh doanh thực phẩm và 200 cửa hàng tạp hóa, đại lý nhỏ khác. UBND quận đã rà soát, cập nhật và xây dựng phương án số 01/PA-UBND đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

UBND quận đã làm việc và thường xuyên liên hệ, đôn đốc 5 doanh nghiệp phân phối nhu yếu phẩm lớn trên địa bàn (các doanh nghiệp đã ký cam kết về đảm bảo dự trữ và cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu của quận), rà soát và bố trí 171 địa điểm dự kiến làm kho dự trữ hàng, bán hàng lưu động, phục vụ nhân dân trong mọi tình huống dịch bệnh. Quận cũng đã xây dựng các kịch bản dự trữ, cung cấp đầy đủ 17 mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn quận, kể cả trong trường hợp dịch bệnh xảy ra ở cấp độ cao hơn, với mức dự trữ nhu yếu phẩm trong 1 tháng dịch tăng gấp ba lần so với mức tiêu dùng bình thường của người dân.

Bên cạnh đó, quận Hà Đông đã dự kiến 5 kịch bản về số lượng nhu yếu phẩm sẵn sàng cung ứng cho người dân ở các khu vực phong tỏa cách ly. Với các tình huống giả định số người trong khu vực phong tỏa cách ly từ 300 người đến 130.000 người, trong thời gian 28 ngày. Tất cả 17/17 UBND phường đã xây dựng phương án đảm bảo nhu yêu phẩm của địa phương, kịp thời xây dựng kế hoạch cung cấp hàng hóa vào các khu vực phong tỏa, cách ly tại địa bàn phục vụ nhu cầu của người dân khi có phát sinh.

Hà Nội: Quận Hà Đông chủ động và kịp thời phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Loan thuộc hộ cận nghèo cẩn thận cất số tiền hỗ trợ vừa nhận được để mang về mua gạo cho gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn quận Hà Đông có 3 bệnh viện Trung ương (trong đó Bệnh viện Quân Y 103 với 1.100 giường bệnh), 3 bệnh viện Thành phố có tổng số 820 giường bệnh (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông 570 giường, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông 150 giường và Bệnh viện Công an Thành phố 100 giường). Dự kiến khi tình huống dịch xảy ra, các bệnh viện sẽ hoạt động theo phương án dành 50% giường bệnh điều trị cho bệnh nhân Covid)-19.

Ngoài ra, quận còn có 2 bệnh viện tư nhân, đã tham gia tập huấn và dăng ký danh sách nhân lực tham gia phòng chống dịch. Quận đã rà soát 4 trường đại học trên địa bàn với tổng số gần 3.000 giường cách ly cho F1 và F0 không có triệu chứng (Trường Đại học Đại Nam, trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông và Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương).

Đối với các người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND quận Hà Đông đã hỗ trợ cho 31 trường hợp, với tổng kinh phí 110.250.000 đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND Thành phố. Quận hỗ trợ 278 hộ cận nghèo, mỗi hộ 1.500.000 đồng, tổng kinh phí là 417.000.000 đồng từ Quỹ phòng chống dịch Covid-19, đồng thời hỗ trợ một trường hợp chết do Covid-19 mức 18.000.000 đồng theo Nghị định 20/NĐ-CP của Chính phủ.

Hà Loan - Bảo Lâm
Ý kiến của bạn
9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD 9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD

Trong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...