Quận Ô Môn: Bước đầu thành công vừa chống dịch vừa ổn định kinh tế

Địa phương
03:26 PM 24/09/2021

Quận Ô Môn là một trong số ít địa phương đạt giá trị tăng trưởng sản xuất (GO) vượt kế hoạch trong 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp. Các ngành chủ lực đều có tỉ lệ thực hiện vượt 100% (nông nghiệp và thủy sản 100,13%, đạt 102,71% kế hoạch). Theo ước tính, đến cuối năm 2021 quận thực hiện 109,43%. Ông Lê Việt Sĩ - Chủ tịch UBND quận Ô Môn (Cần Thơ) đã chia sẻ một vài cách làm để giữ vững "thành tích kép" này với Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị.

Phóng viên: Đến ngày 23/9, quận Ô Môn có 433 ca COVID-19, đứng thứ 5 trong 9 quận, huyện ở Cần Thơ. Đặc biệt, trong hơn 10 ngày qua, mỗi ngày quận chỉ phát hiện 1-2 trường hợp. Xin ông cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương như thế nào để giữ vững "vùng xanh" này?

Ông Lê Việt Sĩ - Chủ tịch UBND quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Ông Lê Việt Sĩ - Chủ tịch UBND quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Ông Lê Việt Sĩ: Chúng tôi luôn chủ động. Do đánh giá đúng tình hình thực tế của quận và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời quán triệt quan điểm xuyên suốt của Chính phủ "chống dịch như chống giặc", quận đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh, huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội ngay từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2021 đến nay.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 luôn trong tư thế cảnh giác cao, giữ liên lạc 24/24. Chỉ đạo phát huy vai trò của các Tổ COVID-19 cộng đồng; thực hiện nghiêm việc không tập trung đông người và thông điệp 5K của Bộ Y tế; chỉ đạo ngành y tế quận và phường đồng loạt ra quân kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt về đeo khẩu trang tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng. Vận động người dân chủ động phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng về các trường hợp trở về từ vùng dịch; triển khai việc bắt buộc khai báo ý tế nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Phối hợp thành lập điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận.

Áp dụng các biện pháp phong tỏa trên địa bàn quận từ ngày 14/7/2021 đến nay, UBND quận đã ban hành Quyết định 99 điểm phong tỏa, với 2.008 hộ, 4.435 nhân khẩu; đã chấm dứt 91 điểm phong tỏa. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của quận và phường đến nay đã xử phạt 992 trường hợp, với số tiền 2,275 tỷ đồng.

Quận đã thành lập 3 khu cách ly y tế tập trung tại: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Khu 1), Trường THPT Lưu Hữu Phước (Khu 2), Trường THPT Lương Định Của (Khu 3). Đến ngày 05/9/2021 đã bàn giao khu cách ly tại trường THPT Lưu Hữu Phước, Trường THPT Lương Định Của cho Ban giám hiệu trường để chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Công tác tiêm vắc xin COVID-19 được thực hiện đúng quy trình, an toàn, đến nay đã tiêm được 22.248 liều (đủ mũi: 3.092 liều, mũi 1: 19.156 liều).

Quận Ô Môn là một trong số ít địa phương đạt giá trị tăng trưởng sản xuất (GO) vượt kế hoạch trong 9 tháng đầu năm 2021.

Quận Ô Môn là một trong số ít địa phương đạt giá trị tăng trưởng sản xuất (GO) vượt kế hoạch trong 9 tháng đầu năm 2021.

Phóng viên: Tăng trưởng kinh tế đang được giữ ổn định, khiến quận trở thành "điểm sáng" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của thành phố. Vậy, tình hình dân sinh, xã hội của quận hiện nay ra sao, nhất là trong tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, thưa ông?

Ông Lê Việt Sĩ: Trong thời gian giãn cách xã hội, công tác an sinh xã hội được chú trọng đặc biệt để chăm lo kịp thời cho các đối tượng. Từ đầu năm đến nay, quận đã giải quyết việc làm cho 4.096 lao động, đưa đi xuất khẩu 21 lao động; cấp 1.354 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách; trợ cấp thường xuyên cho 3.643 lượt đối tượng người có công và 58.804 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng số tiền 28.333 triệu đồng; xây dựng mới 03 căn nhà tình nghĩa. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được quan tâm thực hiện; thực hiện điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới, phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân tại 7 phường, với tổng số 155.250 kg gạo. Triển khai thực hiện kịp thời việc hỗ trợ chính sách do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo luật định.

Ngành y tế thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát tổ chức thực hiện trên tinh thần nghiêm túc quyết tâm cao trong thời gian giãn cách xã hội thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhanh chóng khoanh vùng các ổ dịch kịp thời và hiệu quả. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Duy trì các mô hình "Phường đạt chuẩn không có người sinh con thứ 3 trở lên", "Phường cộng đồng" và dịch vụ thân thiện thanh thiếu niên.

Ngành giáo dục tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo hoàn thành chương trình theo khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021. Tổ chức các kỳ thi học kỳ, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT an toàn, hiệu quả và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Rà soát các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022, đảm bảo việc triển khai đạt hiệu quả tốt nhất. Chỉ đạo tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường trên địa bàn quận; triển khai phần mềm đào tạo trực tuyến EMS đối với trường Tiểu học, Trung học cơ sở.

Một góc trung tâm quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Một góc trung tâm quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Phóng viên: Trong các tháng còn lại của năm 2021, ông có dự đoán gì về tình hình dịch bệnh và kế hoạch ổn định kinh tế xã hội của địa phương ra sao?

Ông Lê Việt Sĩ: Căn cứ theo diễn biến dịch COVID-19 trên cả nước và các vùng miền, theo chúng tôi, dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của nước ta và nhiều nước trên thế giới, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế, đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững.

Vì vậy, chúng tôi luôn chủ động các kịch bản ứng phó. Trong những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung vào 7 mục tiêu chính như sau: Tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả các ngành, lĩnh vực. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Công tác cải cách hành chính; thanh tra; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông dành thời gian cho Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị cuộc chia sẻ này.


Hồng Ân - Văn Dương
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.