Quận Ô Môn: Ổn định tăng trưởng kinh tế gắn với phòng, chống dịch COVID-19

Địa phương
02:37 PM 02/06/2021

Hơn 5 tháng đầu năm 2021, Ô Môn là một trong các quận đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố Cần Thơ. Dù rằng cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng yếu (bầu cử, phòng chống dịch bệnh, trấn áp tội phạm…) nhưng Ô Môn vẫn giữ mức tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Việt Sĩ - Chủ tịch UBND quận Ô Môn, xung quanh vấn đề này.

Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ: Ổn định tăng trưởng kinh tế gắn với phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Lê Việt Sĩ - Chủ tịch UBND quận Ô Môn - TP Cần Thơ

Phóng viên: Đợt bùng phát dịch COVID-19 rơi vào đúng thời điểm bầu cử QH và HĐND các cấp. Xin ông cho biết, chính quyền quận đã song hành 2 nhiệm vụ khó khăn này như thế nào?

Ông Lê Việt Sĩ: Từ đầu tháng 5/2021, chiến dịch chuẩn bị cho công tác bầu cử đã bắt đầu tăng tốc. Đến trung tuần tháng 5, mọi việc đang diễn ra khá tốt thì bất ngờ dịch bệnh xuất hiện trở lại ở các tỉnh phía Bắc. Dù khu vực phía Nam chưa bùng phát dịch nhưng cả hệ thống chính quyền luôn cảnh giác. Cho đến khi dịch lan vào phía Nam vào cuối tháng 5/2021, thì cả bộ máy chính trị của quận vào cuộc.

UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các phường, đặc biệt là ngành y tế tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định, xây dựng kế hoạch phục vụ y tế công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. 

Chỉ đạo phát huy vai trò của các Tổ COVID-19 cộng đồng, đẩy mạnh thực hiện nghiêm yêu cầu 5K; Chỉ đạo ngành Y tế quận và phường đồng loạt ra quân kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là hành vi không đeo khẩu trang nơi công công. Thành lập khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận, khu vực 12, phường Châu Văn Liêm với khả năng tiếp nhận tối đa 40 người bệnh. Phối hợp thành lập điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận.

Mới đây, cùng với chủ trương chống dịch COVID-19 bùng phát của TP. Cần Thơ, chính quyền quận Ô Môn đã thiết lập điểm kiểm soát số 6 tại bến phà Phong Hòa, đường 920B và điểm kiểm soát số 7 tại bến xe Ô Môn. Các điểm kiểm soát này thực hiện kiểm tra tất cả người đi trên các phương tiện tham gia giao thông qua điểm kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 có nhu cầu đi vào địa bàn thành phố Cần Thơ. Nội dung kiểm tra gồm: Khai báo y tế (bằng hình thức điện tử hoặc khai báo giấy), đề nghị cung cấp thông tin cá nhân nơi đi, nơi đến, hướng dẫn sử dụng phần mềm ncovi, Bluezone... khi cần thiết. Khi phát hiện có dấu hiệu triệu chứng nhiễm bệnh, tổ chức biện pháp test nhanh và thực hiện cách ly theo quy định.

Phóng viên: Dù phải căng sức để chống dịch, tổ chức thành công ngày bầu cử 23/5… nhưng quận Ô Môn vẫn giữ vững mức tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nỗ lực của chính quyền đằng sau các con số tăng trưởng?

Ông Lê Việt Sĩ: Chỉ có một vài lĩnh vực tăng trưởng chậm, hoặc giảm chút ít, nhìn chung kinh tế quận trong những tháng đầu năm 2021 rất lạc quan. Điển hình như: Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tháng 5/2021 ước thực hiện được 1.798 tỷ 682 triệu đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 0,81% so với tháng trước. Nâng tổng giá trị thực hiện từ đầu năm đến nay được 8.951 tỷ 965 triệu đồng, đạt 43,3%/KH, so cùng kỳ tăng 13%.

Tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện có và đang hoạt động trên địa bàn là 1.302 cơ sở, tăng so với tháng trước 03 cơ sở, với khoảng 15.292 lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn từ đầu năm đến nay thực hiện được 3.798 tỷ 752 triệu đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tổng số cơ sở thương mại và dịch vụ hiện có và đang hoạt động trên địa bàn là 10.011 cơ sở, tăng so với tháng trước 02 cơ sở, với khoảng 18.189 lao động…

Riêng về nông nghiệp, vụ lúa Đông Xuân, diện tích xuống giống được 5.199 ha, đạt 100,4% KH, ước năng suất 7 tấn/ha, sản lượng đạt 36.393 tấn. Giá lúa 6.500-6.700 đồng/kg. Vụ lúa Hè Thu đã xuống giống dứt điểm được 4.365 ha, đạt 118,1% KH. Các phường đã tổ chức 4 cuộc tập huấn kỹ thuật và hội thảo đầu bờ tại phường Trường Lạc, Phước Thới, Thới Long và Long Hưng, nội dung kỹ thuật canh tác nấm rơm, kỹ thuật quản lý và phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa với sự tham gia của 63 nông dân. Diện tích vườn hiện có trên địa bàn là 3.481,47 ha, trong đó, diện tích vườn hiệu quả đang cho trái là 1.936,7 ha, diện tích vườn có triển vọng chưa cho trái là 1.224,66 ha.

Đến nay, đã cải tạo được 26,6 ha diện tích vườn kém hiệu quả, đạt 34,54% kế hoạch. Diện tích màu thực hiện từ đầu năm đến nay được 1.126 ha, so với kế hoạch đạt 55,95% (Trong đó: Dưa hấu 215 ha, mè 692 ha, còn lại là hoa màu khác). Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 86,9 ha, đạt 34,69%/KH, hiện đang trong giai đoạn phát triển ổn định.

Phóng viên: Thời gian tới, ngoài công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 thì công tác trọng tâm của chính quyền quận như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Việt Sĩ: Trong những tháng cuối năm, chúng tôi đưa ra kế hoạch 10 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tiếp tục tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, UBND thành phố, Quận ủy, HĐND quận về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Kế hoạch thực hiện Chủ đề năm 2021.

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân với mục tiêu giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp điều hành thu, chi ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Tăng cường công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý xây dựng, chất lượng xây dựng, trật tự, kỷ cương đô thị. Tiếp tục giao đất, cho thuê đất; thẩm định bồi thường hỗ trợ và tái định cư; giải phóng mặt bằng các dự án; kịp thời bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Tổ chức kiểm tra về đất đai, môi trường…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị cuộc phỏng vấn này.

Hồng Ân (thực hiện)
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.