Quận Ô Môn: Tăng tốc phát triển kinh tế từ đô thị công nghiệp
Từ sau lần điều chỉnh hành chính cuối cùng năm 2007, quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) được định hướng là khu vực công nghiệp đô thị phía Bắc thành phố. Sau đại dịch COVID-19, Ô Môn bắt đầu bứt phá với hàng loạt chương trình xúc tiến kinh tế lớn.
Chia sẻ vấn đề này với Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết.
Phóng viên: Hơn nửa đầu năm 2022, thông qua nhiều công cụ xúc tiến kinh tế, quận Ô Môn chuyển mình khá rõ nét, nhất là lĩnh vực công nghiệp đô thị. Xin ông cho biết cụ thể Ô Môn đã làm những gì và bộ mặt địa phương đã thay đổi ra sao?
Ông Lê Việt Sĩ: Đáng mừng nhất là 100% các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường sau đại dịch Covid-19, gồm 42 doanh nghiệp trong KCN và 323 doanh nghiệp ngoài KCN. Chính vì vậy, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng từ đầu năm đến nay đạt được 15.964 tỷ đồng, đạt 70,71% KH (kế hoạch 22.578 tỷ đồng) so với cùng kỳ tăng 21,82%.
Theo đồ án quy hoạch quận Ô Môn tầm nhìn đến năm 2030, đô thị Ô Môn quy hoạch gồm 3 vùng: Vùng 1 phát triển đô thị trung tâm (đô thị Ô Môn 1) với không gian dọc trục giao thông quốc lộ 91 hiện hữu, quy mô khoảng 3.000ha; Vùng 2 phát triển đô thị - công nghiệp (đô thị Ô Môn 2) gồm KCN Trà Nóc 2, Khu Nhà máy điện, Khu công nghệ cao và các đô thị phục vụ khu công nghiệp dọc sông Hậu, quốc lộ 91 và sông Trà Nóc, quy mô khoảng 1.600ha; Vùng 3 phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái… gắn kết với đô thị trung tâm Bình Thủy và Ninh Kiều. Cả 3 trụ cột này đều đóng vai trò động lực kinh tế cho quận Ô Môn thể hiện năng lực cạnh tranh với các quận nội thành như Ninh Kiều, Bình Thủy.
Quận Ô Môn đã định hướng phát triển công nghiệp đô thị từ lâu nên các chương trình xúc tiến đầu tư vào địa phương đều theo định hướng này. Việc phát triển cụm công nghiệp công nghệ cao gắn liền với bất động sản công nghiệp đang mở ra cho Ô Môn rất nhiều cơ hội thu hút đầu tư để gia tăng giá trị bất động sản địa phương.
Cụ thể, chúng tôi đang chào mời 5 dự án quy hoạch kêu gọi đầu tư: Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ, diện tích 500ha; Khu đô thị mới Ô Môn 1 phường Phước Thới, diện tích 158,57ha; Khu đô thị mới Ô Môn 2 phường Phước Thới, diện tích 69,55ha; Khu đô thị mới Phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn diện tích 21,56ha; Khu đô thị mới phía Nam Quốc lộ 91 Phường Châu Văn Liêm (đoạn từ rạch Ông Tành đến rạch Tắc Ông Thục), diện tích 41,75ha.
Phóng viên: Phát triển đô thị công nghiệp luôn gắn với xây dựng hạ tầng giao thông. Được biết, quận Ô Môn là điểm giao của nhiều trục lộ giao thông huyết mạch không chỉ riêng thành phố Cần Thơ mà của cả vùng ĐBSCL. Thưa ông, việc phát triển hạ tầng giao thông ở quận thời gian qua như thế nào? Đã đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh về kinh tế công nghiệp địa phương?
Ông Lê Việt Sĩ: Về nội khu, chúng tôi đã thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa nâng cấp và xây dựng giao thông đô thị với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", với số tiền 4,134 tỷ đồng. Cụ thể: đã vận động nhân dân bắt mới, sửa chữa được 12 cây cầu, chiều dài 214 mét, kinh phí 2,470 tỷ đồng; nâng cấp, làm mới, sửa chữa 16.001 mét đường giao thông, kinh phí 1,664 tỷ đồng.
Về tổng thể, chúng tôi được hưởng lợi từ các dự án phát triển hạ tầng giao thông của thành phố như: Mở rộng Quốc lộ 80, Quốc lộ 91B (Lê Hồng Phong) kết nối TP Long Xuyên (đấu nối cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi); Đầu tư xây dựng công trình tuyến nối Quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu (giai đoạn 1) kết nối Ô Môn - Bình Thủy - Phong Điền - Ninh Kiều - Cái Răng; nâng cấp cải tạo đường tỉnh 923; đường tỉnh 917 (nối Bình Thủy - Ô Môn - Phong Điền). Đặc biệt dự án quy hoạch Làng đại học Cần Thơ tại Bình Thủy đã điều chỉnh vị trí thực hiện sang quận Ô Môn và vùng giáp ranh.
Nhờ quy hoạch bài bản, các khu công nghiệp - đô thị tại Ô Môn không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, chế xuất mà còn là nơi để phát triển đô thị với đầy đủ tiện ích phục vụ nhu cầu an cư như nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa, siêu thị, chợ, bệnh viện, công viên vui chơi giải trí…. Đồng thời Ô Môn cũng là đô thị vệ tinh của thành phố Cần Thơ nhằm mục đích giãn dân cư tại các quận nội thành vốn đang có mật độ dân số ngày càng tăng cao.
Phóng viên: Dù kinh tế quận đang chuyển mình phát triển nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Bỏ qua những rủi ro bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai… trong thời gian tới, quận Ô Môn đã và sẽ xử lý những tồn tại khó khăn như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Việt Sĩ: Đại dịch COVID-19 vừa qua đã nhắc nhở chúng tôi bài học về sự lo xa. Vì vậy, cho dù đã có những tín hiệu báo an toàn nhưng cả bộ máy chính quyền luôn tập trung thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Về xây dựng, chúng tôi thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các công trình, dự án đảm bảo đạt yêu cầu về tiến độ, chất lượng, đôn đốc quyết toán các công trình đã hoàn thành; xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng năm 2022.
Tăng cường công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý xây dựng; tiếp tục ra quân thực hiện lặp lại trật tự, kỷ cương đô thị. Phối hợp Sở Xây dựng thẩm định hoàn chỉnh đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn (giai đoạn 1) và lập đồ án quy hoạch phân khu đô thị (giai đoạn 2); thực hiện rà soát, hủy quy hoạch cũ không còn phù hợp và lập mới quy hoạch chi tiết trung tâm các phường. Tăng cường giám sát và quản lý chặt chẽ quá trình đô thị hóa, đầu tư xây dựng và trật tự đô thị, chỉnh trang, trật tự an toàn giao thông; chuẩn bị triển khai kế hoạch thực hiện các công trình phục vụ Tết nguyên đán năm 2023…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông dành thời gian cuộc trao đổi này.
Hồng Ân - Văn DươngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.