Quận Ô Môn - TP. Cần Thơ: 13 biện pháp hồi phục ổn định kinh tế - xã hội sau “đại dịch Covid-19”
Sau hơn 4 tháng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, quận Ô Môn - TP. Cần Thơ bắt đầu lên kế hoạch hồi phục kinh tế - xã hội. Nếu như trong thời điểm gay gắt nhất phải giãn cách xã hội, Ô Môn đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại thì hiện nay lựa chọn của lãnh đạo địa phương là nhanh nhất hồi phục kinh tế, ổn định xã hội. Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Việt Sĩ - Chủ tịch UBND quận Ô Môn - TP Cần Thơ.
Phóng viên: Với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do COVID-19 gây ra, quận Ô Môn đã làm được những gì khi mọi hoạt động kinh tế - xã hội gần như “đứng hình”, thưa ông?
Ông Lê Việt Sĩ: Mặc dù liên tiếp nhận được chỉ đạo từ Trung ương, thành phố về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng do đã chủ động từ trước nên chính quyền quận Ô Môn vẫn bình tĩnh ứng phó. Trên hầu hết các lĩnh vực, chính quyền và nhân dân trong quận đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, duy trì ổn định. Chẳng hạn, trong nông nghiệp, vụ lúa Đông Xuân toàn quận đã xuống giống được 5.537 ha, vụ lúa Hè Thu xuống giống được 3.990 ha, đạt 99,44%/KH. Diện tích vườn hiện có 3.159 ha, trong đó vườn mang lại hiệu quả (đang cho trái) là 2.714 ha. Diện tích vườn đã cải tạo từ đầu năm đến nay được 30 ha, đạt 30%/KH. Diện tích hoa màu thực hiện từ đầu năm đến nay được 1.650 ha, so với kế hoạch đạt 126,83%. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 75,7 ha, đạt 29,12%/KH, so với tháng trước tăng 32,6 ha, hiện đang trong giai đoạn phát triển ổn định...
Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cũng duy trì được sự ổn định. Quận đã tập trung vốn cho các công trình, đáp ứng đúng kế hoạch trong năm 2020; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án, công trình, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đến nay, đã giải ngân được 51 tỷ 762 triệu đồng, đạt 32,45%/KH (kế hoạch 159 tỷ 488 triệu đồng). Công tác vận động xã hội hóa được tăng cường, huy động được nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội và đầu tư phát triển quận. Từ đầu năm đến nay, đã vận động được 7 tỷ 332 triệu đồng để chăm lo an sinh xã hội và phát triển giáo dục.
Đặc biệt, trong lĩnh vực an sinh xã hội, quận đã làm khá tốt. Ngành Lao động, Thương binh & Xã hội đã chi trợ cấp thường xuyên tháng 4, tháng 5 cho 496 đối tượng, số tiền 1 tỷ 565 triệu đồng; cấp 1.391 thẻ BHYT cho đối tượng chính sách, 5.376 thẻ BHYT đối tượng bảo trợ xã hội, 131 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; xây dựng và sửa chữa 12 căn nhà tình nghĩa.
Tổ chức rà soát các đối tượng lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 như: Người bán vé số, lao động thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, công nhân lao động nghỉ việc,… để có kế hoạch hỗ trợ. Ngoài ra còn tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 gồm quà và tiền mặt với tổng trị giá 994.612.000 đồng. Đồng thời, tổ chức điểm phát gạo miễn phí (ATM gạo) cho các đối tượng hộ nghèo, hộ khó khăn,… với tổng số lượng 24 tấn gạo.
Phóng viên: Thời gian sắp tới, cùng với cả nước bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế đời sống, riêng thành phố Cần Thơ đã đưa ra mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch vừa khôi phục kinh tế. Để thực hiện nhiệm vụ nặng nề này, quận Ô Môn đã chuẩn bị kịch bản như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Việt Sĩ: Chúng tôi đã có kế hoạch với 13 nhiệm vụ cụ thể như sau: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp tại các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; nhất là Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện “nhiệm vụ kép” và các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch để tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả.
Tiếp tục tổ chức thực hiện các Chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, UBND thành phố, Quận ủy, HĐND quận về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Kế hoạch thực hiện Chủ đề năm 2020.
Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.
Khẩn trương triển khai và thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hộ gia đình có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động bị mất việc làm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng quy định. Xử lý nghiêm theo qui định pháp luật đối với các hành vi vi phạm về thông tin, truyền thông, nhất là truyền tải phát tán thông tin sai sự thật, bịa đặt, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh của quận.
Triển khai kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2020. Chăm sóc lúa Hè Thu, gieo sạ lúa Thu Đông; tập trung thúc đẩy tái đàn heo, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để phát hiện sớm và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cươngi kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm góp phần cung ứng nông sản hàng hóa sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Rà soát các nguồn thu trên địa bàn, các khoản thất thu, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các loại thuế để có giải pháp cụ thể nhằm bù đắp phần hụt thu ngân sách. Tăng cường khai thác các nguồn thu mới. Đồng thời rà soát các nhiệm vụ chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thật sự bức xúc, cần thiết, trong điều kiện ngân sách hụt thu và ưu tiên bố trí cho các khoản chi bức xúc như chi công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công và tiến độ giải ngân năm 2020. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình, dự án; quan tâm bố trí vốn đầu tư các công trình trọng điểm.
Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học tại các cấp học. Tăng cường chỉ đạo công tác dạy và học chuẩn bị kết thúc năm học 2019 - 2020 và thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2020.
Triển khai thực hiện các chính sách, chế độ hỗ trợ người gặp khó khăn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Rà soát tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân sự do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tăng cường công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý xây dựng, chất lượng xây dựng, trật tự, kỷ cương đô thị. Tiếp tục giao đất, cho thuê đất; thẩm định bồi thường hỗ trợ và tái định cư; giải phóng mặt bằng các dự án; kịp thời bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Tổ chức kiểm tra về đất đai, môi trường.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch công tác thanh tra năm 2020. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận kiến nghị sau thanh tra. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó với các loại tội phạm trong tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát và mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, tinh thần tích cực của các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ về quốc phòng - an ninh, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Ân (thực hiện)
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.