Quận Ô Môn (TP. Cần Thơ): Thi đua rộng khắp, khen thưởng kịp thời đã thúc đẩy thay đổi đời sống xã hội
5 năm qua (2016 - 2020) quận Ô Môn có bước phát triển nổi bật. Chỉ riêng xây dựng CSHT đã có ít nhất 252 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, 7/7 phường trong quận đã hoàn thiện hệ thống giao thông đến tận ngõ hẻm...
Góp phần lớn nhất cho thành tích này chính là việc tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng rộng khắp và kịp thời của chính quyền các cấp. Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị có cuộc phỏng vấn ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn đã chia sẻ vài góc cạnh của phong trào thi đua này.
Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn.
Phóng viên: Sức sống kinh tế luôn là cốt lõi của sự phát triển của mọi địa phương. Trong 5 năm qua, kinh tế Ô Môn không ngừng tăng trưởng, trong đó sự đóng góp của các phong trào thi đua là không thể thiếu. Ông nhận định như thế nào về việc này?
Ông Lê Việt Sĩ: Các phong trào thi đua không chỉ là không thể thiếu mà còn là động lực quan trọng trong công cuộc đổi mới cuộc sống địa phương. Riêng về kinh tế, cùng với việc phát động phong trào thi đua vận động mọi nguồn lực trong toàn xã hội, cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị của quận Ô Môn trong 5 năm qua đã đầu tư ngân sách trên 36.185 tỷ đồng (đạt 164,81% kế hoạch), cùng với nguồn vốn ODA và vận động xã hội hóa đã thực hiện trên 252 công trình, dự án; hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác xã hội hóa được tăng cường, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt, là sự đóng góp của nhân dân trên địa bàn, đến nay, 7/7 phường cơ bản hoàn thiện đường giao thông liên phường và nội bộ, góp phần tích cực thay đổi bộ mặt địa phương.
Từ hạ tầng đã thúc đẩy kinh tế có bước phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng “Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp đô thị”. Tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2015 - 2020: nông nghiệp - thủy sản 7.801 tỷ đồng (đạt 122,75% kế hoạch), công nghiệp - xây dựng quận quản lý 97.363 tỷ đồng (đạt 122,29% kế hoạch), thương mại - dịch vụ 23.425 tỷ đồng (đạt 115,49% kế hoạch). Cơ cấu kinh tế năm 2020: khu vực nông nghiệp - thủy sản chiếm 4,12% (đạt 89,76% kế hoạch); khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 65,86% (đạt 100,69% kế hoạch); khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 30,02% (đạt 100,07% kế hoạch). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015 - 2020 đạt 36.185 tỷ đồng (đạt 164,81% kế hoạch).
Phóng viên: Xã hội hóa là chủ trương chung của cả nước để xây dựng đời sống nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếp cận cuộc sống văn minh. Trong xu thế hiện nay, công tác xã hội hóa luôn có sự hiện diện của các hình thức thi đua. Cụ thể 5 năm qua, vai trò của phong trào thi đua yêu nước thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Việt Sĩ: Có thể nói ở tất cả các lĩnh vực văn hóa xã hội đều triển khai phong trào thi đua yêu nước. Ngành giáo dục thì phát động phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” gắn với nhiều chủ đề của từng năm học, từ đó đã làm cho chất lượng giáo dục được nâng lên trong các cấp học và bậc học. Hiện nay kết quả từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2019 công nhận 15 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số 39/43 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (đạt 90,70% so tổng số trường). Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng đạt được một số kết quả đáng biểu dương: Quy mô trường lớp ngày càng tăng, phong trào trồng cây xanh tạo bóng mát và cảnh quan sư phạm được các trường quan tâm thực hiện, đã trồng cây xanh các loại; công tác giữ gìn vệ sinh trường, lớp, ý thức bảo vệ môi trường xung quanh, môi trường học tập cũng như ý thức giữ gìn cơ sở vật chất của học sinh ngày càng tốt hơn. Phong trào thi đua “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã trở thành phong trào mũi nhọc của ngành và ngày càng phát huy tác dụng trong đời sống thực tiễn, trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập nâng cao trình độ. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đều cố gắng thực hiện đổi mới trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo...
Thực hiện “Phong trào đoàn kết sáng tạo” đã vận động nhân dân hưởng ứng tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, nâng cao đời sống khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch tả lợn châu Phi… Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện kế hoạch thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận.
Bên cạnh đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhân rộng mô hình điểm thực hiện cuộc vận động đạt hiệu quả. Đến nay đã có 7/7 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Quận cũng đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tham mưu Quận ủy, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn vào các dịp lễ, Tết.
Phóng viên: Một trong những nội dung thi đua khen thưởng được dư luận quan tâm là cải cách hành chính. Xin ông cho biết, các phong trào thi đua ở lĩnh vực này trong những năm qua như thế nào?
Ông Lê Việt Sĩ: UBND quận luôn quan tâm chỉ đạo việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong giải quyết thủ tục hành chính của quận. Vì vậy, nhiều mô hình cải cách hành chính đã được xây dựng và triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực và tạo được sự đồng thuận, phấn khởi của nhân dân mà có thể điểm qua một số đột phá nổi bật của quận về công tác cải cách hành chính trong thời gian qua như: Mô hình Hội nghị trực tuyến giữa UBND quận và phường: UBND quận đã trang bị Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ quận tới phường với mục tiêu tiết kiệm và hiệu quả, việc triển khai thực hiện mô hình này góp phần thông tin nhanh chóng, kịp thời những chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của thành phố, của quận đến tận khu vực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương “hướng về cơ sở”.
Ngoài ra, cũng với nội dung đột phá về công tác cải cách hành chính, năm 2016 quận Ô Môn tiếp tục đầu tư trang bị bảng điện tử trước cổng Quận ủy và Ủy ban nhân dân quận Ô Môn và 7 phường nhằm tăng cường tuyên truyền các hoạt động về công tác cải cách hành chính cũng như thông tin tuyên truyền liên quan đến công tác Đảng và Nhà nước mà nội dung chính thường tập trung vào sự kiện các ngày lễ lớn trong năm để người dân và doanh nghiệp trên địa bàn quận Ô Môn biết và quan tâm.
Về phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, UBND quận Ô Môn đã tổ chức triển khai phát động Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn quận.
Phát động tham gia các hội thi liên quan đến thực hiện cải cách hành chính và phát động, cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các kỳ thi khảo sát kiến thức cải cách hành chính: Hội thi Tin học khối Cán bộ, công chức trẻ thành phố Cần Thơ lần thứ I năm 2018 và lần thứ II năm 2019, Hội thi Tin học khối cán bộ, công chức trẻ toàn quốc lần thứ VI năm 2018 và lần thứ VII năm 2019. Tham gia Hội thi “Sáng kiến cải cách hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức trẻ thành phố Cần Thơ năm 2019” (Kết quả đạt 01 giải Khuyến khích cấp thành phố).
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Hồng Ân (thực hiện)
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.