Quan Sơn: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ

Địa phương
04:25 PM 25/08/2023

Bằng sự quyết tâm của cả Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Sẽ là chưa đủ, nếu không nói đến quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo, điều hành tập trung của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành các tầng lớp nhân dân cùng sự hỗ trợ kịp thời của cấp tỉnh, nên trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Quan Sơn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tận dụng mọi thời cơ phát triển, phát huy lợi thế của huyện để vượt qua khó khăn, thách thức đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI của huyện.

Huyện Quan Sơn: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội - Ảnh 1.

Quan Sơn là huyện vùng cao biên giới có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, cũng là địa phương hay gánh chịu nhiều hình thái thiên tai.

Vượt qua thách thức

Thách thức lớn là tác động của dịch bệnh và tình hình chính trị quốc tế bất ổn đã khiến sự phát triển kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, trong đó huyện Quan Sơn cũng không ngoại lệ. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VI Đảng bộ huyện, ngay từ thời gian đầu sau Đại hội, từ cấp huyện đến cấp xã, các ban ngành trong toàn huyện tiếp tục quán triệt quan điểm: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát triển văn hóa là động lực nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội VI đề ra theo phương châm chủ động, tích cực, linh hoạt, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn; đặc biệt là thực hiện 02 chương trình trọng tâm, 03 đột phá vào thực tiễn.

Huyện Quan Sơn: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội - Ảnh 2.

Đồng chí Lê Hồng Quang - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2023.

Để sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, và tạo chuyển biến trong công tác cán bộ, điểm mới trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025 là BCH, BTV đã xây dựng, triển khai, phê duyệt kế hoạch đăng ký thực hiện công việc đổi mới, đột phá, sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền các cấp, các ngành, thực hiện phương châm bám cơ sở, sát địa bàn, tinh thần vì nhân dân phục vụ; đồng thời phân công các ủy viên BCH, BTV và cán bộ chủ chốt ban, phòng, ngành phụ trách từng xã, từng bản, chịu trách nhiệm toàn diện, mọi công việc triển khai. Từ công tác cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu các ban, phòng, đến các xã, thôn, bản, gắn kết quả thực hiện với đánh giá tập thể, cá nhân.

Huyện Quan Sơn: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội - Ảnh 3.

Đoàn công tác huyện Quan Sơn tham quan và làm việc với Công ty CP BamBoo King Vina.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2020-2030 đạt 4,83%/năm, thấp hơn so với nghị quyết (NQ đề ra 12,5%/năm). Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2023 ước đạt 29,88 triệu đồng/người/năm (nghị quyết đến năm 2025 là 55 triệu đồng/người/năm). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhiệm kỳ 2021-2023 ước đạt 44,7% so với chỉ tiêu nghị quyết (nghị quyết 4.000 tỷ đồng; ước thực hiện 1.788 tỷ đồng).

Tỷ lệ tăng thu ngân sách giai đoan 2021-2023 ước đạt 38%, cao hơn so với chỉ tiêu nghị quyết (nghị quyết tăng thu hàng năm là 10%). Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 14,3% (nghị quyết đến năm 2025 là 14,5%). Tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn (không tính quốc lộ và tỉnh lộ) được cứng hóa ước đạt 75% (nghị quyết đến năm 2025 là 80%). Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 89,2%, vượt so với mục tiêu nghị quyết (NQ đến năm 2025 là 88,9%).

Huyện Quan Sơn: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội - Ảnh 4.

Hiệu quả của một số mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cho thấy chuyển biến nhận thức của người dân trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Quyết tâm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ chỉ rõ, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 4,835, thấp hơn so với chỉ tiêu. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ước đạt 1.613 tỷ đồng, gấp 1,15 lần so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 29,88 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 15,83% lên 20,89%...

Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng, tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm so với kế hoạch. Giai đoạn 2021 đến nay, đã có 05 bản về đích NTM, 02 bản về đích NTM kiểu mẫu, nâng tổng số bản về đích NTM trên toàn huyện lên 56 bản, 09 bản NTM kiểu mẫu và 02 xã NTM. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn vẫn tiếp tục triển khai thực hiện, số sản phẩm được chứng nhận trong giai đoạn 2021 đến nay là 03 sản phẩm (Măng khô nang non, thịt bò khô Mường Hạ, nếp cái Mường Xịa).

Huyện Quan Sơn: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội - Ảnh 5.

Nhiều cơ sở chế biến luồng, nứa, vầu giúp hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.

Tổng huy động vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2021-2023 ước đạt 1.788 tỷ đồng, đạt 44,7% mục tiêu nghị quyết đến năm 2025 (4.000 tỷ đồng). Nhiều công trình có giá trị đầu tư lớn đã và đang triển khai thực hiện như: Hệ thống xử lý nước sinh hoạt thị trấn Sơn Lư; đường giao thông nội vùng thị trấn Sơn Lư; Nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn; tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đến năm 2023 đạt 75%...

Đáng chú ý, nửa nhiệm kỳ qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được phát triển cả bề rộng và chiều sâu, Ban chỉ đạo phong trào các cấp triển khai hiệu quả gắn với xây dựng NTM. Toàn huyện có 70 bản văn hóa, 45 cơ quan đạt chuẩn văn hóa, 04 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 6720 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm 67%; 82/94 bản có nhà văn hóa. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển mạnh, tăng cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, thể thao, nhất là tổ chức thành công Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Xịa năm 2023.

Huyện Quan Sơn: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội - Ảnh 6.

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, huyện Quan Sơn đã dành mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Du lịch được quan tâm phát triển và đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình như: Đền thờ Tư Mã Hai Đào, hệ thống điện, chỉnh trang khuôn viên và làm nhà điều hành khu du lịch động Bo Cúng, điểm du lịch cộng đồng bản Ngàm. Từ năm 2020 đến 30/5/2023 có gần 40 nghìn lượt khách du lịch, trong đó 5 tháng đầu năm 2023 đã thu hút trên 30 nghìn lượt khách đến các khu, điểm du lịch Quan Sơn.

Bên cạnh đó, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo có những chuyển biến đáng kể, cơ sở vật chất trường, lớp có sự đầu tư, nâng cấp; sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng giảm điểm trường lẻ, lớp ghép. Công tác xây dựng trường chuẩn được quan tâm, dự kiến cuối năm 2023 được công nhận 03 trường, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia toàn huyện lên 28 trường, đạt tỷ lệ 70%. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh từng bước được nâng lên. Giáo viên trong huyện cơ bản đạt trình độ chuẩn trở lên, có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc…

Là một trong các huyện miền núi có điểm xuất phát thấp, vì vậy công tác giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân thường xuyên được quan tâm. Các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo y tế được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm còn 4,69%, thấp hơn mục tiêu nghị quyết đề ra…

Huyện Quan Sơn: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội - Ảnh 7.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội trên địa bàn huyện Quan Sơn cũng có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện

Ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn chia sẻ: Từ việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Quan Sơn chủ yếu thực hiên 03 khâu đột phá: Đặc biệt là khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung kêu gọi, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Tính từ năm 2021 đến hết quý I/2023, số công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng là 99 công trình, dự án với tổng mức đầu tư đạt 603,865 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực, đây được xem là kết quả rất đáng khích lệ.

Huyện Quan Sơn: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội - Ảnh 8.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội, huyện Quan Sơn ngày một khởi sắc.

Đồng thời, huyện đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở các diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC giữa Công ty cổ phần Ngọc Sơn Thanh Hóa với người sản xuất luồng, vầu tại xã Tam Lư, Tam Thanh…; huyện Quan Sơn đã, đang tập trung kêu gọi, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn…

Chúng ta tin tưởng rằng, từ kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quan Sơn lần thứ VI sẽ tiếp tục là động lực để cả hệ thống chính trị huyện tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, cường thịnh, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong đợi.

Triều Nguyệt - Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống

Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".