Quận Tân Phú: Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, Hội đồng phổ biến pháp luật quận Tân Phú phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.Hồ Chí Minh, Hội Luật gia quận Tân Phú, các ban ngành, đoàn thể phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, tổ chức phiên tòa giả định và truyền thông thực hiện trợ giúp pháp lý ở cơ sở cho học sinh của Trường THCS Hùng Vương, quận Tân Phú.
Trong những năm gần đây, tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang có chiều hướng rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó, có trường hợp trẻ em do chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học bạo lực và xâm hại, gây nhức nhối trong dư luận xã hội.
Tất cả các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em tác động rất lớn đến quá trình phát triển tâm lý và thể chất của trẻ em, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị đẹp của đạo đức xã hội, sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở tình huống đưa ra, Ban tổ chức đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em thông qua các câu hỏi liên quan đến Luật Trẻ em, kỹ năng xử lý các tình huống cũng như cách tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại, bạo hành cho học sinh. Các chuyên gia pháp lý đã đưa ra một số giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo hành và xâm hại, gồm các biện pháp như sau:
Triển khai thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình... ưu tiên bố trí nguồn lực để đảm bảo việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em.
Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, người thân, xây dựng thể chế gia đình bền vững, từ đó tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây ra. Cha mẹ cần thường xuyên qua tâm, chia sẻ với con em để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thết, trang bị cho trẻ em biết phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại, không cho trẻ ăn mặc bở hang, vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý đồ xấu.
Ngành giáo dục đào tạo cần xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, không bạo lực, xâm hại trẻ em, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục, trường học; kịp thời phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý.
Ngành y tế quan tâm, phát triển hệ thống y tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cá bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Các cơ quan thông tin truyền thông dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo đảm quyền bảo mật thông tin của trẻ em.
Các cơ quan tố tụng kịp thời giải quyết và xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, tránh để tồn đọng, không để kéo dài các hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ , cố tình kéo dài hoặc không xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, tin báo và tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp khi trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tuyên truyền quảng bá các số điện thoại khẩn 111, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em của Trung ương 18001567, đường dây nóng 113... để cơ quan, tổ chức, người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu.
Theo các chuyên gia pháp lý, việc tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình dẳng về cơ hội phát triển, là một trong những mục tiêu quan trọng, là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội và mỗi gia đình.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.